So với đồ ăn có nước, các cửa hàng bán xôi, quẩy, bánh mỳ, bánh bao được khách mua mang về khá thuận tiện.
Trao đổi với phóng viên Tin tức, anh Phạm Công Tuấn, Chủ cửa hàng Phở Huy ở 6C Cửa Đông cho biết: “Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ phải bán cả phở online vì quán luôn đông khách, rất nhiều người nổi tiếng đến thưởng thức, đặc biệt vào buổi tối. Do phải đóng cửa quá lâu vì phòng dịch, tôi đã được "khách hàng ruột" nhiệt tình tư vấn bán online để mở cửa trở lại như: Lập tài khoản ngân hàng; mua hộp đựng nước phở để thuận tiện trong giao hàng, đảm bảo vệ sinh; tăng cường quảng cáo trên mạng xã hội, zalo”.
Theo các chủ cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống, mặc dù lượng khách sụt giảm tới 60% so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19, nhưng cửa hàng cũng phải thích ứng, tạo việc làm cho nhân viên; đồng thời chấp nhận hưởng ít lãi. Để chia sẻ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, kéo dài, chủ mặt bằng cũng miễn phí tiền thuê cửa hàng trong vòng 1 tháng. Đây là điều khích lệ cho các chủ cơ sở kinh doanh trong mùa dịch nhưng không thấm tháp gì so với muôn vàn khó khăn như hiện nay.
“Do phở là đồ nước, tâm lý nhiều khách hàng cũng ngại mua mang về vì sợ kém ngon; kinh tế eo hẹp, người dân thắt chặt chi tiêu hơn. Việc đăng ký bán phở trên các app công nghệ khá thuận tiện nhưng phải chi trả phí phần trăm khá cao, trong khi lãi không được bao nhiêu. Ví dụ mặt hàng sá sùng để cho vào nước phở cũng có nhiều mức giá từ 700.000 đồng/kg trở lên, thậm chí 5 triệu đồng/kg. Các mặt khác cũng vậy. Do vậy tôi chỉ quảng bá trên trang mạng thông thường để cân đối được chi phí, chất lượng món phở vẫn phải được đặt lên hàng đầu”, anh Công Tuấn chia sẻ.
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này, quán ăn uống được mở cửa trở lại, được “bán mang về” nhưng lượng khách hàng của quán Phở Chuyên bò ngõ 77 Đặng Xuân Bảng, quận Hoàng Mai giảm tới 60%; doanh thu giảm khoảng 30 đến 40% so với thời điểm trước.
Theo chị Nguyễn Lệ Linh, Chủ cửa hàng Phở Chuyên bò (ngõ 77 Đặng Xuân Bảng), xu hướng mua online, mua đồ ăn mang về nhà đang dần là thói quen của nhiều người bởi đại dịch lần này kéo dài phức tạp. Thông thương vào dịp cuối tuần, cửa hàng bán đồ tốt hơn vì mọi người ở nhà có thời gian mua đồ ăn mang về.
“Việc sống chung an toàn với dịch bệnh được dần thích nghi nên khi có nhu cầu ăn uống là khách gọi đồ, đặt ship. Các cửa hàng hiện nay đều trang bị công nghệ bán hàng nhằm thích ứng thời cuộc, thậm chí huy động cả người nhà đi giao hàng”, chị Nguyễn Lệ Linh chia sẻ.
“Cửa hàng tôi mới tham gia app công nghệ của Now nên bán chưa được nhiều, do phải trả tỷ lệ hoa hồng cao nên giá bán cũng tăng thêm 25%. Nếu cộng cả phí ship, việc mua vài suất lẻ với giá tăng cũng khiến nhiều người dùng không mấy mặn mà”, chủ cửa hàng Phở bò phố Đặng Xuân Bảng cho biết.
Trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, lác đác một số cửa hàng ăn mở cửa cầm cự. Quán Bún bung và bún riêu cua số 3 Bạch Mai vốn từng nức tiếng đông khách thì nay vắng vẻ lạ thường. Để tiết giảm chi phí, chủ cửa hàng phải huy động người nhà tham gia ship đồ để giảm chi phí thuê lao động.
Gặp khó khăn trong vấn đề tuyển nhân viên, chi phí mua đồ để khách hàng mua mang về tăng khiến một số quán ngần ngại “bán mang về”. Các chủ cửa hàng vẫn nghe ngóng tin tức chờ mở cửa bán hàng phục vụ khách tại chỗ.
Trong khi một số quán nhỏ túc tắc khách ra vào thì những quán nhậu, nhà hàng lớn gặp muôn vàn khó khăn.
Chị Vũ Thanh Hương - Chủ quán Tây Bắc phố Lê Văn Hưu cho biết: “Chi phí nhân sự phải cắt giảm 1/2 dù mặt bằng được hỗ trợ giảm giá từ 50 - 70%. Giá thực phẩm nhập từ một số tỉnh về vẫn cao do khó khăn vận chuyển, chi phí test COVID-19 khiến giá đầu vào đội lên nhưng quán Tây Bắc vẫn giữ nguyên giá bán. Thông thường, khách tới quán nhậu để tiếp khách, gặp gỡ bạn bè thì nay chỉ được bán mang về khiến doanh thu sụt giảm. Tâm lý khách ngại mua đồ vì không có địa điểm giao lưu hoặc mua về cũng chỉ được hẹn một số người gặp gỡ theo quy định phòng dịch”.
Là cửa hàng bán đồ ăn chín thiết thực lâu năm có uy tín, nhà hàng Bể Cá phố Tô Hiến Thành ít bị ảnh hưởng. Chị Nguyễn Thu Hương, chủ nhà hàng Bể Cá cho biết: “Khi Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg giãn cách toàn thành phố, lượng khách gọi điện đặt và mua đồ ăn, mua bánh ăn sáng tăng mạnh nhưng do khâu vận chuyển khó khăn nên dù khách đông cũng không thể đáp ứng được, lượng hàng bán chỉ ở mức độ vừa phải".
Theo chị Thu Hương, giá thực phẩm gần đây đã “hạ nhiệt”, giá thịt lợn hiện 140.000 đồng/kg, giảm 40.000 đồng/kg so với thời điểm Hà Nội áp dụng lệnh giãn cách; giá thịt gà cũng giảm thêm 10.000 đồng/kg so với trước. Giá nhiều mặt hàng đã trở lại như trước, người dân đi chợ không tích trữ mua đồ nữa nên lợi nhuận đã được cải thiện. Trong bối cảnh dịch giã khó khăn, thu nhập của người dân giảm nên các cửa hàng không muốn tăng giá.
Cà phê vốn là loại hình kinh doanh mở, giúp mọi người gặp gỡ trò chuyện với nhau nhưng kể từ khi Hà Nội cho phép mở bán mang đi, hầu hết các quán đều không đón khách. Một số cửa hàng trà sữa dù "hút" giới trẻ nhưng lượng khách cũng sụt giảm 1/3 so với trước.
Trên phố Bà Triệu, gần ngã 4 Bờ Hồ có vài cửa hàng bán cà phê có vị trí đắc địa nay cũng phải đóng cửa vì không có khách. Nếu như trước kia, phố đi bộ ở Hồ Gươm nườm nượp người qua lại, ánh sáng rực rỡ sắc màu, người uống cà phê, giải khát đông kín thì nay lượng người qua lại thưa thớt, vắng lặng đìu hiu. Có cửa hàng cà phê phải bầy thêm kệ bán đồ hoa quả để tận dụng mặt bằng, thêm doanh thu để cầm cự.
Một số quán cà phê trên phố Huế, Nguyễn Hữu Huân... đều vắng bóng người. Dù thành phố đã cho phép mở bán hàng mang về nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp và nguồn thu không đủ để chi trả các chi phí nên nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa.