Nhiều người vẫn chưa có thói quen quét mã QR Code khi vào các cửa hàng, siêu thị

Tại TP Hà Nội, việc quét mã QR Code là điều kiện tiên quyết để thành phố cho phép các cửa hàng ăn uống, siêu thị, thời trang... hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tại nhiều địa điểm kinh doanh, khi không có nhân viên yêu cầu quét mã QR Code, đa phần người mua vẫn lơ là việc này.

Ngày 28/9, ghi nhận của phóng viên báo Tin tức trên nhiều tuyến phố như Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Chùa Bộc, Hàng Bông, Kim Liên... các cửa hàng phục vụ ăn uống, kinh doanh thời trang, siêu thị đã hoạt động trở lại sau lệnh nới lỏng giãn cách của TP Hà Nội. Tuy nhiên, dù hàng quán đã chấp hành tốt việc dán mã QR Code, nhưng người dân đến mua sắm chưa tự giác quét mã khai báo y tế.

Chia sẻ với phóng viên, chị Bùi Ngọc Lan, nhân viên bán hàng tại shop thời trang BI Luxury trên đường Cầu Giấy cho biết: "Chúng tôi dán mã QR Code ngay tại cửa kính lối ra vào và cũng dán ngay tại quần thanh toán, những vị trí thuận lợi cho khách nhìn thấy. Nhưng nếu chúng tôi không yêu cầu, thì khách cũng không thực hiện việc quét mã".

Chú thích ảnh
Việc quét mã QR Code tại chợ Kim Liên trông chờ vào... ý thức tự giác của người dân.

Tại khu vực chợ Kim Liên, (số 23 Lương Đình Của, quận Đống Đa), người dân đến mua sắm cũng "vô tư" không quét mã khai báo y tế QR Code. Thực tế, theo quan sát của phóng viên, cũng có người dân chấp hành nghiêm quy định quét mã, nhưng con số này rất ít.

Một quán bún bò Huế tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy ghi nhận tình trạng các shipper đến nhận hàng chấp hành tốt quy định quét mã, nhưng người dân đến mua đồ thì gần như không thực hiện.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội, số người dân cài đặt ứng dụng Bluezone (tính đến 18 ngày 26/9/2021) là: 3.447.452/8.053.663 người (tỷ lệ 42,81%). Tổng số địa điểm quét mã QR Code đến ngày 27/9/2021: 429.598 điểm.

Tổng số lượt quét mã QR trên phạm vi toàn Thành phố trong ngày 27/9 là: 226.4 lượt; trung bình 7 ngày vừa qua: 239.672 lượt. Tổng số người đi/đến checkin tại các địa điểm quét QR trong ngày 145.480 người; trung bình 7 ngày vừa qua 162.665 người.

Đáng chú ý, còn 4 xã không có lượt quét mã QR Code phát sinh trong ngày: Sóc Sơn (xã Xuân Thu), Mê Linh (xã Liên Mạc), Thanh Oai (xã Liên Châu), Thường Tín (xã Chương Dương).

Chú thích ảnh
Việc quét mã QR Code là điều kiện tiên quyết để TP Hà Nội cho phép các cửa hàng ăn uống, siêu thị, thời trang... hoạt động trở lại.
Chú thích ảnh
Những người dân chấp hành nghiêm quy định quét mã QR Code.
Chú thích ảnh
Vẫn còn nhiều người lơ là trong việc khai báo y tế bắt buộc tại các điểm công cộng.
Chú thích ảnh
Các cửa hàng kinh doanh đều chấp hành tốt quy định dán mã QR Code.
Chú thích ảnh
Nhưng người dân đến mua sắm đa phần chỉ quét mã khi có yêu cầu của nhân viên tại cửa hàng.
Chú thích ảnh
Tại quán bún bò trên phố Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy), các shipper chấp hành tốt quy định quét mã, trong khi người dân đến mua thì thờ ơ.
Chú thích ảnh
Một quán phở trên phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy) dán mã QR Code ở vị trí thuận tiện, nhưng người dân chẳng mấy quan tâm.
Chú thích ảnh
Người dân tại Hà Nội bắt buộc phải quét mã QR Code khi vào các địa điểm công cộng, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... Trường hợp công dân không có điện thoại thông minh thì sử dụng Căn cước công dân hoặc Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR để khai báo y tế.

 

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Hà Nội: Các tuyến phố 'thời trang' đìu hiu trong ngày đầu mở cửa trở lại
Hà Nội: Các tuyến phố 'thời trang' đìu hiu trong ngày đầu mở cửa trở lại

Sáng 28/9, các cửa hàng kinh doanh thời trang tại Hà Nội được phép hoạt động trở lại, tuy nhiên, các tuyến phố kinh doanh thời trang được cho là sầm uất, nhộn nhịp nhất của Hà Nội như: Kim Mã, Cầu Giấy, Hàng Bông, Chùa Bộc… vẫn trong tình trạng vắng vẻ; một số cửa hàng treo biển "sang nhượng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN