Nhà trình tường theo cách giải thích của đồng bào vùng cao có nghĩa là nhà có tường làm bằng đất, độ dày của tường nhà thường từ 40 - 50 cm, diện tích trung bình của lòng nhà khoảng 60 - 80 m2. Thợ xây sau khi san nền sẽ dùng khuôn gỗ đặt dọc theo các khu vực xác định là bờ tường. Sau đó đổ đất và dầm chặt tạo thành tường nhà. Công việc cứ như vậy diễn ra cho đến khi những bức tường cơ bản hoàn thành. Bên trong nhà là hệ thống cột gỗ để phân chia các phòng.
Bản làng của đồng bào Hà Nhì nhìn từ trên cao. |
Ánh nắng chiếu lên tường nhà hiện nét đẹp nguyên sơ. |
Ngôi nhà trình tường là nơi che chở cho đồng bào suốt bốn mùa trong năm. |
Với điều kiện môi trường là các triền núi cao, khí hậu khắc nghiệt thì ưu điểm của ngôi nhà là mát mẻ về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Để tạo nên những ngôi nhà trình tường độc đáo ấy, đồng bào thường chọn loại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Ngôi nhà dù to hay nhỏ thì thường có ba gian. Cùng với tường đất, mái lợp bằng ngói hoặc tranh giúp ngôi nhà điều hòa nhiệt độ suốt trong năm. Những năm gần đây, do nhiều yếu tố, mái nhà của đồng bào được thay bằng mái prôximăng.
Những ngôi nhà nằm bên cạnh đường quốc lộ. |
Mặt trước ngôi nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì. |
Những nếp nhà san sát nhau, hiện lên mờ ảo trong làn khói bếp. |
Trong ngôi nhà trình tường, đồng bào bố trí gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách. Gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Phía trên là sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm...