Các bậc cha mẹ hãy cố gắng đừng để con một mình khi xa nhà. |
Mình nghĩ mãi, nói thật là nghĩ rất nhiều, xếp thứ tự những điều mà theo hiểu biết và kinh nghiệm của mình để chia sẻ với bạn. Cuối cùng mình chọn để chia sẻ với bạn điều này:
Đấy là chứng trầm cảm của các bạn thanh thiếu niên.
Tại sao mình lại muốn chia sẻ về điều này? Vì mình nghĩ nó vô cùng quan trọng với các bậc cha mẹ và với cuộc đời của con cái chúng ta. Thiếu một chút kiến thức con chúng ta không thể hỏng một cuộc đời, thiếu tự lập một chút, con chúng ta cũng vẫn có thể có một cuộc sống yên ổn. Nhưng nếu bị trầm cảm mà không được chia sẻ hay có biện pháp hỗ trợ kịp thời, cuộc đời của một người có thế sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề, cơ hội để có hạnh phúc cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.
Những năm tháng học và sống ở nước ngoài, cũng như được nghe bạn bè chia sẻ những điều sâu kín mà họ không muốn cho mọi người trong xã hội biết, mình hiểu rằng việc các em thanh thiếu niên bị trầm cảm là không hiếm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, nguyên nhân tự nhiên do những thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn cũng có. Nguyên nhân do những cú sốc về thay đổi đời sống, môi trường, thử thách cũng có. Nguyên nhân có thể không giống nhau nhưng biểu hiện có nhiều điều giống nhau, và mình chắc chắn một điều, nếu không vượt qua được giai đoạn này, hậu quả sẽ hằn sâu trong đời sống mỗi người. Và điều này thật buồn, đau lòng lắm.
Mình có một người bạn quen, cũng là nhân vật của mình trong một phim tài liệu. Hồi mới gặp để nói chuyện và tìm hiểu về cuộc đời của anh, mình thấy anh rất mau nước mắt. Anh khóc dễ dàng đến mức đáng ngạc nhiên. Mình cố giấu sự ngạc nhiên, nhưng anh vẫn nhận thấy. Người đàn ông này giải thích cho mình, kể về tuổi thơ của anh. Anh theo mẹ sang Pháp, bố bỏ mấy mẹ con để ở lại Việt Nam.
Tuổi thơ của anh là những năm tháng tổn thương tâm lý trầm trọng, buồn vì phải xa quê hương, thương mẹ bơ vơ nơi đất khách, khó khăn trong hòa nhập...anh bảo hồi ấy không ai biết là anh trầm cảm, tự bản thân anh cũng không biết.
Anh còn nhớ, anh rất thương mẹ mà không nói ra được, không làm gì được. Anh rất nhớ bố, nhớ những ngày tháng ở Việt Nam mà không về được, rất muốn hòa nhập nhanh cũng không biết làm thế nào.
Có những đoạn thời gian anh vùi mình trong nhà, nước mắt lúc nào cũng chảy. May mắn của cuộc đời anh là đến một lúc anh nhận thức được rằng nếu không cố học lấy một cái nghề thì cuộc đời coi như bỏ. Rồi may mắn nữa là anh gặp được một người phụ nữ Việt Nam như anh vẫn mong sẽ lấy vợ Việt Nam.
Anh bảo: "Giờ tôi vui nhưng tôi biết tôi vẫn có những tổn thương tinh thần từ bé, nó làm tôi dễ bi quan, dễ thấy xúc động, thôi thì tôi coi nó như một thương hiệu của mình vậy".
Mình cũng có nhiều bạn bè, bố mẹ gửi con đi học nước ngoài từ bé, khi đi thì là những cô bé cậu bé hóm hỉnh, thông minh, khi về là những cậu bé béo phì, ít nói, xa cách. Thậm chí có những em không học được gì, chỉ vùi đầu vào internet, games online.
Như lẽ thông thường nhiều cha mẹ sẽ nghĩ con mình lười, không có chí tiến thủ, cho sung sướng mà không biết đường sung sướng, ỷ lại bố mẹ quen rồi, không muốn tự lập. Mình không phủ nhận là có những trường hợp như thế nhưng mình thiên về việc các em đã có những giai đoạn khó khăn về tâm lý mà cha mẹ không biết, các em cũng không tự ý thức được về bản thân. Thế là trượt đi, thế là thành những vết xước trong tâm thức. Vết xước ấy có thể tự lành, nhưng cũng có những vết xước nếu không được chạy chữa sẽ không lành được, mưng mủ và có thể tàn phá cả cơ thể.
"Con nghĩ có thể con bị trầm cảm mẹ ạ", con trai mình đã có lúc nói với mình như thế. Ấy là khi con từ Việt Nam sang học ở Paris. Ở Việt Nam con học trường quốc tế với đầy đủ các bạn đến từ nhiều quốc gia. Về Pháp, mình dại dột đã cho con vào một trường tư khá bảo thủ. Con không có bạn, con nhớ Việt Nam, con không quen môi trường mà ở đấy chỉ có con là người có tóc đen mắt đen. Con lạc lõng.
Mình may mắn là con đã chia sẻ, đã nói với mình cảm xúc trong lòng khiến con không còn muốn đến trường. Mẹ con nói chuyện rất nhiều, tìm những liệu pháp tâm lý kịp thời, chuyển lại về môi trường học tập quốc tế. Con vượt qua giai đoạn khủng hoảng ấy và cho mình một bài học rất lớn: là phải quan sát và lắng nghe những đứa con của mình, chấp nhận những khác biệt, đừng đem những mong muốn, quy chuẩn của cuộc đời mình làm thước đo cho cuộc đời của con cái.
Những năm tháng sống ở Pháp cũng cho mình không ít kinh nghiệm sau khi đã chứng kiến những khủng hoảng tâm lý của các em lưu học sinh. Xa nhà, nhớ quê hương, khó khăn trong hòa nhập...Nhiều em không biết phải xử trí thế nào với một cuộc sống mới và những kỳ vọng của cha mẹ ở quê nhà. Kể với bố mẹ là mình có khó khăn trong hòa nhập thì xấu hổ, sợ cha mẹ thất vọng, loay hoay lúng túng... dẫn đến trầm cảm mà không tự ý thức.
Mình biết nhiều em béo phì, em không thích chơi với ai, em bỏ học, em chỉ ngủ cả ngày, em chơi games online miên man sớm tối, em trở nên cáu bẳn hung hăng, em sầu muộn.
Thần kinh, sự vững vàng cũng như nghị lực của mỗi người là khác nhau. Người rắn rỏi mạnh mẽ thì vượt qua được dễ dàng, người dễ tổn thương hay yếu đuối thì khó khăn hơn. Người tự nhận biết hoặc có bố mẹ trợ giúp kịp thời thì lấy lại nhịp nhanh chóng, người không tự biết và không có ai bên cạnh để hỗ trợ thì có thể sẽ tự vượt qua một cách khó khăn, hoặc có thể vĩnh viễn không bao giờ vượt qua được cả.