Đó là bởi tất cả má đều dành cho con. Má chỉ là lao động phổ thông, lương chẳng được bao nhiêu. Vậy mà má có thể sắm sửa cho con những bộ đồ mới đẹp để con đến lớp, đi đám tiệc, chơi xuân. Đi đâu về, hễ có cái bánh, cây kẹo hay thứ ngon má cũng cho con dùng.
Những đêm đông lạnh buốt, sợ con không đủ ấm, má dành hết chiếc mềm cho con đắp. Riêng má co ro sáng đêm vì lạnh. Nhớ nhất là ngày cuối năm. Vừa nhận tiền lương của chủ xưởng gạch, má vội dắt con đi chợ Tết mua sắm quần áo.
Trẻ con mà, thấy cái gì cũng mê, cũng muốn được sở hữu nên con nằng nặc đòi má mua cho bằng được. Má cười khi thấy con vui nên phóng tay chiều theo ý con. Hôm ấy ra về, trong túi má không còn đồng nào.
Vậy mà đầu năm nhà cũng có bánh mứt, thịt mỡ, dưa kiệu…, chẳng thua gì ai. Để được hạnh phúc trọn vẹn, má phải chạy khắp nơi mượn tiền để sắm sửa trong mấy ngày Tết. Con nào hay biết phía sau nụ cười ngọt ngào ấy là nỗi lo toan chất chồng.
Đến tuổi trưởng thành, con xa làng quê để bước chân lên thành trọ học. Rời vòng tay má, con thản nhiên như chẳng có chuyện gì. Lúc ấy, con còn mừng thầm trong bụng vì từ nay sẽ không ai quản lý, càm ràm, mặc tình mà tung hoành thỏa thích.
Và con đã trượt dài theo suy nghĩ tiêu cực đó. Việc học con vẫn ổn nhưng con lại tiêu tiền quá nhiều. 19 tuổi, lẽ ra con phải chín chắn trong suy nghĩ, rằng má mình đã già yếu làm lụng vất vả, sớm tối quạnh hiu…
Nhưng con thật bất hiếu, vô tình khi cứ gọi điện kêu má gửi tiền lên liên tục. Viện cớ đóng học phí, mua sách, tiêu vặt … con đem số tiền xin được mua sắm những bộ quần áo, giày dép mới toanh để cho bằng chúng bạn.
Cực thân má nơi quê nhà, phải chạy mượn khắp nơi để đủ gửi cho con ăn học. Má nói: “Tuổi thơ của má không được đến trường, không biết chữ mới khổ cực như thế này.
Má chỉ có mình con, nên bằng mọi giá phải lo cho con ăn học nên người chứ không nghỉ nửa chừng”. Lợi dụng niềm hy vọng đó, con cứ hay dọa nghỉ học nếu không có tiền chi tiêu.
Má sợ, má lo nên má nợ khắp xóm. Thực tế là con vẫn biết má đi mượn tiền, chứ cái nghề cấy mạ thuê, gặt lúa mướn, khuân vác gạch bán thời gian thì có bao nhiêu tiền mà gửi liên tục.
Nhưng con dường như đánh rơi não mình bên đường, chẳng nhận ra chân lý. Có nhiều đêm một mình ở nhà, má ho khục khặc, không tiền uống thuốc, má trằn trọc cho đến sáng.
Má không quan trọng sức khỏe của mình mà chỉ lo tính mạng của con. Con nói dối rằng bệnh, má chẳng ngần ngại gửi tiền lên bảo đi mua thuốc uống liền. Thậm chí má còn đòi đón xe đò lên thăm vì sợ chuyện chẳng lành.
Cho đến một ngày con ngộ ra chân lý về tình mẫu tử. Đó là lúc con xem vở kịch Lá sầu riêng của hai soạn giả Hoàng Dũng - Bội Ngọc. Đoạn bác sĩ Sang tâm tình với bà mẹ Diệu đã làm con rơi nước mắt: “Hồi nhỏ má cho con một cái bánh, cái kẹo mà con đeo theo má suốt ngày. Bây giờ má cho con tất cả cuộc đời mà con không nhận sao?”.
Lời của bà má sao mà tha thiết, khắc khoải quá. Lá sầu riêng đã giúp con cảnh tỉnh và nhớ rằng nơi quê nhà vẫn còn người mẹ già đang ngày đêm khấn nguyện cho mình ăn học nên danh.
Bất giác, con nhớ má. Như kẻ u mê chợt bừng lý trí, con thu xếp đồ đạc chạy vội ra xe trong buổi chiều cuối tuần nhộn nhịp. Con muốn về bên má để cảm nhận cái tuổi thơ ngọt ngào như thuở nào. Má ơi, cho con xin lỗi má vạn lần!