Mẹ tôi tay xách chiếc làn nhựa, khoác áo mưa, đội nón vội vã đi chợ sớm mua đồ ăn tươi sống cho chồng con. Vào ngày giông bão thế này, người bán đi sớm, đắt rẻ cũng bán cho xong còn trở về nhà sau những mưu sinh bon chen ngoài chợ đời, nên mẹ cũng phải đi mua sớm.
Rau muống quê tôi, được người ta thả bè ngoài ao, nhất là rau muống ngoại vùng Thượng Lỗi, ngọn đua ra non mởn nảy bụ bẫm đến tận cuống rau. Gặp ngày mưa đầu hè, rau càng mơn mởn.
Rau muống đua dùng tay ngắt từng đoạn cho vừa miệng, không dài quá cũng không ngắn quá kẻo vụn đĩa rau.
"Rửa rau muống ngọn to ngày mưa, phải nhẹ nhàng không dập nát mất ngọn rau non búng, phải để ý kẻo có đỉa hay chui vào cuống rau" - bố tôi hay dặn dò, dạy dỗ tỉ mỉ như vậy với chị, em tôi. Ông cụ dặn luộc rau muống đỏ ngọn to phải tinh tế, không được để chín quá sẽ nhũn, không được lửa nhỏ quá sẽ đỏ thâm rau và khi ăn cuống rau chưa đúng chín sẽ ngai ngải mất vị ngon của rau muống.
Có nhiều cách chế biến với rau muống bố tôi hay tỉ mẩn làm, tôi thì chả chịu học nhưng được cái tính tôi hay quan sát tỉ mỉ và tôi lại thuộc loại trí nhớ siêu việt, nên dù tôi không học hoặc không ai dạy nhưng tôi đã nhìn thấy thì lưu tâm kể cả sợi tóc nhỏ xíu vẫn làm tôi vẫn nhớ như tạc.
Rau muống luộc vắt chanh hoặc dầm sấu ăn với tôm rảo hay tôm trứng, tôm rang phải kỹ săn con tôm lại, mà không được khô quắt kẻo chỉ còn xác, bố tôi thường "chỉ đạo" thế.
Tôm rang phải đậm mặn ngọt mới bùi mới để được lâu trong cái khí hậu nhiệt đới của Việt Nam không bị thiu, ngày ấy ở cái đận người người nhà nhà làm gì có tủ lạnh dự trữ để cất đồ ăn thừa. Nhà tôi thì có tủ lạnh cất đồ nhưng bố, mẹ tôi đều dậy cách thức tiết kiệm, ngon bổ, rẻ luôn là tiêu chí bố tôi nhấn mạnh trong khi chế biến đồ ăn.
Ngày mưa, bố tôi thường bảo ăn thứ nào đơn giản không phải bày vẽ rình rang, cả nhà còn ngồi bên nhau xem phim hay cùng nhau nghe những bản nhạc quốc tế lãng mạn mà ông tỉ mỉ tìm mua mang từ Đức về cho vợ, con cùng thưởng thức, hội nhập nền văn hóa hiện đại. Ông thường giới thiệu từng tên các ca sỹ và cuộc đời của họ cho chúng tôi hiểu biết thêm.
Nên có khi chỉ rau muống chấm mắm ớt cay dầm sấu, kèm với miếng thịt rang cháy cạnh hay thịt kho tầu với dừa già bùi bùi thơm mãi tan trong miệng, mừ chừ ăn một bát lại muốn ăn hai bát cơm bởi có đôi khi bố tôi hay pha cách trộn một chút nước thịt mỡ béo ngậy vào cùng với nước mắm, một chút vị đường của nước sốt thịt làm cho cái vị mắm bớt gắt, ngon lạ thật đặc biệt.
Chèn ơi, 3 chị em chúng tôi cứ thế mà căng cái bụng trong ngày mưa.
Lại nhớ đến vị của rau muống xào, rau muống chần qua nước sôi già, phi hành tỏi cho thơm đảo đều nhanh tay cho thấm gia vị, nhưng đừng quên một thìa mắm tôm xào cùng để mang đến cho đĩa rau một màu xanh và hương vị thật hấp dẫn và đặc biệt. Đó chính là bí quyết người Nam Định xào rau muống và mùi vì thì thơm nồng vị mắm và tỏi sống cho sau cũng càng tạo nên sự khác biệt về vị.
Tôi thích nhất món rau muống trộn gỏi chua, cay, ngọt, mặn mà bố tôi thường làm đổi món khi trời mưa. Rau muống trộn không thể thiếu rau kinh giới và càng không thể thiếu hạt lạc rang đều tay vàng ruộm chín tới thơm phức khi giã vừa tay trong chiếc cối, xin nhớ lạc đừng giã vun sẽ mất đi vị và nát không còn thơm giòn khi ăn nộm rau muống tận cuối đĩa, ngon đến tận khi bố tôi nhâm nhi uống hết 5 trăm đồng tiền rượu trắng mà tôi thường hay chạy ù sang nhà bác bán hàng vặt của xóm chợ phố tôi.
Thật ra còn nhiều cách chế biến cho rau muống lắm. Nhớ khi trời nắng gắt bố tôi nấu canh cua đồng với rau muống thả vài cọng rau rút, mùi hành mỡ được phi thơm với gạch cua đổ vào tạo lên một hương vị ngọt đậm không thể ngòi bút nào tả được. Tôi chỉ biết rằng chỉ cơm canh rau muống với quả cả pháo nén hay cà muối xổi hai thằng em trai tôi ăn mỗi đứa phải 6 bát cơm cho cái tuổi Thánh Gióng của chúng.
Nghĩ lại tôi lại thấy xót xa mẹ, tần tảo nuôi 3 đứa con tuổi mới lớn ăn rào rào như tằm ăn dỗ, quả thật 3 đứa chúng tôi tồng ngồng tuổi mới lớn, thật tốn cơm tốn vải. Chừ nuôi con tôi mới hiểu hết những năm tháng khốn khó của đấng sinh thành.
Êm đềm, ấm áp một dòng chảy sinh khí được thắp lên bởi hai đấng sinh thành, có nhắm mắt tôi vẫn hình dung ra tất thảy những tháng ngày, giây phút gia đình chúng tôi bên nhau, dù là được hay mất, dù là thành hay bại, đó chính là cái nôi thiêng liêng gắn kết bởi hai tiếng gia đình...
Và mỗi khi ăn bữa rau muống đầu mùa nơi xứ người, tôi đều không thể quên nhớ về những người thân yêu, nhớ về miền ký ức cầu vồng đẹp đẽ, đẹp đến mức không thể gọi tên.
Chỉ biết rằng gia đình và cố hương là tất cả chưa bao giờ phai nhòa trong tôi.