Đáng lý ra tôi phải đi tham khảo ý kiến của các bậc “tiền bối”, hoặc nhờ bạn bè sành sỏi tư vấn cho. Xong vốn dĩ “óc” trong đầu tôi cấu tạo bằng “bã đậu” cho nên tôi đã bỏ qua giai đoạn tham khảo, học hỏi. Tôi cứ ngang nhiên bước vào, tự nhiên xìa lá đơn ra và hồn nhiên nói:
- Cho em xin một chữ ký vào chỗ này ạ!
Sếp thấy cử chỉ và hành động của tôi như vậy thì ngạc nhiên lắm. Ông bỏ qua lá đơn, nhìn thẳng vào mắt tôi. Nhìn rất lâu, tôi thấy mặt mình nóng ràn rạt. Mãi sau ông mới ra hiệu cho tôi ngồi xuống cái ghế đối diện. Im lặng thêm một lúc nữa sếp mới mở miệng một câu rất “lạc đề”:
- Cậu biết không dạo này đôi mắt của tôi nhìn cái gì cũng thấy choi chói…
Theo phản xạ của kẻ bắt chuyện, tôi nói luôn:
- Thế thì anh phải đeo kính, kính râm, hoặc kính đổi mầu!
Sếp đưa tay dụi dụi mắt:
- Lại còn thế này nữa, đôi mắt của tôi dạo này nhìn xa xa một tí là y rằng mù mà mù mịt…
Tôi ra cái điều hiểu biết:
- Vậy thì mỗi lần muốn nhìn xa anh phải dùng đến kính viễn thị.
Sếp gật gù tỏ vẻ đồng ý. Ông buông tay dụi mắt ra. Tôi thấy mắt ông đã ngầu ngầu đỏ:
- Nhưng mà nhìn gần cũng mù mịt…
Tôi lại trổ tài hiểu biết:
- Những lúc nhìn gần anh phải dùng đến kính cận thị.
Sếp lại gật gù, lại có vẻ tán thành. Rồi ông với lấy lá đơn của tôi. Ông nâng lá đơn lên ngang mặt. Đôi mắt nheo nheo… Ông đưa lá dơn ra xa hơn, đôi mắt ông nhiu nhíu. Cứ loay hoay để thật gần, rồi đẩy ra xa, sau đó ông buông một tiếng thở dài đầy thất vọng:
- Khổ quá, bây giờ nhìn chữ nghĩa nó cứ bé li ti, li ti như con kiến, lắm lúc còn lộn tùng phèo, chẳng thể nào đọc được.
Tôi nhanh nhẩu góp ý:
- Có khi anh phải dùng đến kính lão để đọc sách, đọc báo, xem đơn từ ạ.
- Ừ, có lẽ phải như thế thật.
Sếp đứng dậy. Tay vẫn cầm lá đơn, chân bước đi bước lại rất nhiều bước trong căn phòng khá chật chội. Mồm ông lẩm bẩm những điều gì tôi nghe không rõ. Ông cứ đi đi lại lại làm tôi chóng hết cả mặt. Rất lâu sau ông mới dừng. Ông đặt lá đơn vào vị trí cũ, thong thả bảo tôi:
- Cậu cứ để đơn đây, lúc nào có kính lão tôi sẽ đọc.
Về nhà, tôi kể lại, nghe xong, vợ tôi “vò đầu dứt tai”, tay đấm ngực bình bịch, mặt hếch lên trời, cái mồm rên rỉ:
- Khổ! Khổ! Khổ! Chồng ơi là chồng. Đầu ơi là đầu. Sao mà anh chẳng hiểu biết gì sất cả vậy?
Tôi kinh ngạc:
- Ô hay! Sao cô lại nói tôi thế?
Sau khi kiềm chế được cơn giận dữ, vợ tôi mới rành rọt giảng giải:
- Ông ấy nói về đôi mắt nhìn đâu cũng thấy chói, thấy mờ… Như vậy là có liên quan đến những cái kính. Nên nhớ là, không phải bỗng dưng ông ấy lại tâm sự về đôi mắt và những cái kính. Mình phải hiểu được cái ý sâu xa của ông ấy.
Thú thực, vợ tôi giảng giải mà tôi chẳng “ngộ” ra được điều gì. Vì vậy tôi vẫn phải hỏi lại:
- Theo cô, cái ý sâu xa là thế nào?
Vợ tôi lại tỏ vẻ thất vọng, kêu dài một tràng “khổ” nữa. Cuối cùng mới rõ ràng từng tiếng một:
- Ông ấy nói về “Kính” – Tiếng “kính” cô ấy nhấn mạnh và dài giọng – Nhưng không phải là cái kính để đeo… Vấn đề ở đây là… Muốn có chữ ký của người ta vào đơn xin xỏ điều gì đó của mình, thì “Kính” phải hiểu là “ Kính biếu… Kính biếu…” Anh hiểu chưa?
Tôi “à”… Cô ấy giải thích cặn kẽ như vậy thì dẫu có “đần” mấy tôi cũng phải hiểu.