Qua lời kể của chị tôi thì thị trấn Otaru có nét giống Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam (Việt Nam). Trong câu chuyện chị nói rằng khi còn học ở ĐH Hokkaido, chị từng đến Otaru và làm phục vụ ở một quán coffee. Đó là một quán mang đậm phong cách truyền thống Nhật Bản có những chiếc bánh ăn kèm với coffe hoặc vài đồ uống khác. Giờ chủ cửa hàng đã nhiều tuổi, không còn bán hàng nữa. Khi chúng tôi đi ngang qua, cửa hàng coffee ngày nào thay vào đó là một quán ăn đông đúc.
Otaru trong mường tượng của tôi khi chưa tìm thông tin trên Google thì nó rất xưa cũ và lý do thôi thúc tôi đi bởi mong muốn tìm chút bình yên ở thị trấn nhỏ với kênh đào, nhà cổ. Vì thế, với tôi phát âm tiếng “Otaru” nghe gần gũi.
“Taru” trong tiếng Nhật được hiểu là chiếc hộp, “O” là nhỏ. Cái tên “Otaru” được hiểu là chiếc hộp nhỏ.
Đến Otaru trong một ngày giữa tháng 3, khi tuyết bắt đầu tan. Những ngày cuối của mùa đông miền Bắc nước Nhật dù có nắng, nhưng nhiệt độ vẫn thấp, tuyết thành đá xay. Từ trên các sườn núi, xen lẫn với màu trắng của tuyết là màu đen của những gốc cây trơ rễ. Chị của tôi kể rằng: Đó là rừng cây không chết. Khi mùa xuân về, chúng nhanh chóng đâm chồi, ra lá. Màu xanh của mùa xuân phủ đặc tháng 4 và đơm hoa trong tháng 5. Tháng 6 là khoảng thời gian hội tụ đẹp của chiếc áo xanh, của tấm thảm hoa đa sắc, của gió nhẹ.
Bắt đầu vào thị trấn, phía trên triền đồi nhấp nhô nhiều ngôi nhà còn phủ tuyết trắng, thấp thoáng những ngôi nhà màu lam, xếp xen kẽ trong màu ghi trầm phổ biến. Không hiểu vì quy luật nào đó, chúng xếp thành từng lớp, từng lớp, cao, thấp, lần lượt. Những ngôi nhà được bảo tồn nhìn vẻ ngoài có thể thấy chúng có số tuổi đời hàng trăm năm, phía bên trong chỉ thay đổi nội thất. Chính quyền và người dân địa phương luôn nỗ lực gìn giữ những gì còn xưa cũ nhất có thể.
Tiến vào trung tâm, mùi mặn mòi đặc trưng của thị trấn ven biển xâm chiếm cả không gian. Sự nhộn nhịp của cửa hàng, người đi lại xen lẫn với những trầm tích của thời gian trên những ngôi nhà được xây dựng bằng những tấm đá to bản. Kiến trúc mang dáng dấp của châu Âu. Nơi đây đã từng là một thương cảng xầm uất.
Điều này trở nên rõ ràng hơn khi ngang qua kênh đào Otaru. Hai bên dòng kênh là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, có vị thế vững trãi như khiêu khích cùng thời gian. Tường là những mảng đá sần sùi, to bản xếp chồng lên nhau. Trong một khoảnh khắc, tôi có cảm giác như mình đang đứng trong một thước phim của thành Rome hay Paris hoa lệ. Con kênh mùa này nước cạn, ngủ im lìm trong mùa đông dài như bất tận. Dù thời tiết rất lạnh, nhiều du khách vẫn nán lại để có những bức ảnh đẹp, ghi dấu chân nơi này.
Ở các con phố nhỏ, người đi bên đường thỉnh thoảng như diễn xiếc bởi sự trơn trượt của tuyết đang tan thành đá. Một cặp đôi vịn chặt tay nhau cố gắng để không bị ngã. Vài người khác khi biết sẽ bị ngã thì ngồi thụp xuống để tự trôi. Sự nhộn nhịp tại các quán ăn, nhất là những cửa hàng sushi - một thế mạnh của Otaru luôn hấp dẫn du khách. Bạn sẽ nghe tiếng mời trong những hàng quán của người xứ này như tiếng chim mùa xuân, nhanh nhảu lại có phần tha thiết. Quán coffee năm nào mà chị bạn tôi nhắc tới bên ngoài có màu đen, được trang trí bởi rất nhiều cọc gỗ xếp cách nhau, cũng góp phần làm nên đặc trưng nhà cổ ở phố đi bộ.
Ưu tiên bọn trẻ, chúng tôi dừng chân tại một quán đồ chơi. Ở quán này đồ chơi chất đầy. Rất nhiều đồ chơi từ truyền thống đến hiện đại. Đi kèm với mỗi bộ đồ chơi đều có bộ thử chơi cho người lớn và trẻ em. Nếu muốn tìm không gian riêng, có thể lên tầng 2 để có một khu chơi dành riêng cho mình.
Tôi chưa thấy ở đâu lại free như ở đây. Cũng chưa ở đâu, người bán hàng lại nhiệt tình hướng dẫn say mê về các món đồ với cha mẹ của những đứa trẻ như thế. Kể cả khi ra khỏi quán, bạn không mua thứ gì.
Người lớn có thể ngồi uống coffee ngay tại quán. Những tấm gỗ to bản phát ra tiếng cọt kẹt sau mỗi bước chân đi, tiếng leng keng của nhạc cụ trẻ em chơi, của những con bi, vòng ốc làm nên đặc trưng của quán này. Lũ trẻ, người lớn thích đồ chơi đều chẳng muốn rời nơi này.
Ở bên ngoài, càng về chiều cái lạnh trở nên giá buốt. Đôi tay tôi như tê cứng. Nhìn quanh, nơi đâu cũng muốn tiến tới nhưng bàn chân thì không muốn bước và chôn chặt một chỗ. Tiếng đồng hồ thánh thót điểm thời gian.
Ở trước hiên một ngôi nhà cổ, tôi thấy một cô gái ăn mặc hợp thời, gương mặt trang điểm tự nhiên, trên tay cầm điếu thuốc lá, thỉnh thoảng đưa lên đôi môi hình trái tim xinh đẹp. Cô gái ngồi trên một ghế gỗ, tựa ngay cửa ra vào.
Trong giây lát, tôi thấy thời gian như chậm lại. Từng tiếng động, từng thanh âm dìu dặt, từng sắc màu dừng lại trên đôi môi cô gái kia. Trong cái lạnh, tôi không nhìn rõ làn khói thuốc. Điều đó thực khó khiến tôi lý giải được ở đây vì sao tôi không có nổi một câu chuyện, không có nổi sự thoả mãn bước chân đi nhưng đó lại là hình ảnh cuối khi tôi kịp nhận ra mình đang tời Otaru.
Hẹn có ngày trở lại.