Các hoạt động này đã góp phần tạo nên mạng lưới khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh rộng khắp, góp phần tích cực vào chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đáp ứng kịp thời các tình huống đột xuất về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; khắc phục hậu quả về mặt y tế trong thiên tai thảm họa...
Chăm sóc y tế cho người dân địa phương tại Trạm Y tế xã Đưng K’Nớh (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN |
Khẳng định tầm quan trọng cũng như hiệu quả của các phòng khám quân dân y tại các đồn biên phòng đóng quân dọc tuyến biên giới, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, hệ thống 152 phòng khám quân dân y tại các đồn biên phòng đã thực sự là “cánh tay kéo dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào và tại đây, các “chiến sỹ áo trắng” quân y, quân dân y đang hàng ngày, hàng giờ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào và giúp người dân phát triển kinh tế. Từ Chương trình quân dân y kết hợp, đã có 529 trạm y tế xã được đầu tư nâng cao năng lực hoạt động; trong đó củng cố toàn diện là 101 trạm, củng cố từng mặt 428 trạm với số tiền trên 420 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương gần 84 tỷ đồng, số còn lại do các đơn vị phối hợp với các địa phương tự bảo đảm. Số trạm y tế được củng cố thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là 410 trạm (chiếm 77,50%).
Theo Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), kết hợp quân dân y là giải pháp hiệu quả đáp ứng kịp thời các tình huống đột xuất về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; khắc phục hậu quả về mặt y tế trong thiên tai thảm họa. Bộ Quốc phòng đã thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm - là các bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm được thành lập trên cơ sở điều động nhân lực, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, thuốc... từ các bệnh viện quân y và các đơn vị quân đội trong khu vực trọng điểm quốc phòng an ninh, có nhiều nguy cơ bùng phát dịch.
Trong sự cố sập cầu treo Chu Va huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (năm 2014), Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức phối hợp với quân y Quân khu 2 và y tế địa phương đã kịp thời khắc phục hậu quả, cứu chữa cho hàng chục nạn nhân. Riêng vụ cháy nổ ở nhà máy Z121, Ban Quân dân y Quân khu 2 đã cử 8 tổ cấp cứu gồm 37 người và 8 xe cứu thương đã phối hợp với Viện Bỏng quốc gia, Bệnh viện Quân y 103 và y tế địa phương cứu chữa, vận chuyển 47 nạn nhân, góp phần giảm tỷ lệ thương vong cho người bị nạn...
Cục trưởng Cục Quân y Vũ Quốc Bình cho biết, trong thời gian tới Chương trình sẽ nghiên cứu, qui hoạch lại các cơ sở khám chữa bệnh quân dân y trên địa bàn từng tỉnh, thành phố cho phù hợp với qui hoạch chung và khả năng đáp ứng nguồn nhân lực của địa phương; trên cơ sở đó đầu tư, bảo đảm mọi điều kiện để các cơ sở này có thể tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các trạm y tế khu vực biên giới, vùng trọng điểm quốc phòng an ninh đạt được tiêu chí quốc gia về y tế xã. Đối với các xã được xác định là khu căn cứ hậu cần kỹ thuật trong khu vực phòng thủ, cần đầu tư công trình phụ trợ kho tàng, hầm phẫu thuật.
Cùng với tiếp tục đào tạo liên tục cho lực lượng quân y Biên phòng, các Đoàn Kinh tế quốc phòng... kiến thức về Y học gia đình, Sản, Nhi, Y tế công cộng, lực lượng quân y huấn luyện cho nhân viên y tế những kiến thức cơ bản về y học quân sự, huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ biết sơ cứu, vận chuyển bệnh nhân khi gặp nạn. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác quốc tế để huấn luyện, đào tạo cấp cứu trên biển, cấp cứu đường hàng không cho lực lượng quân dân y ven biển, trên đảo và nhà giàn...