82,4% số trạm y tế có bác sĩ
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trên địa bàn toàn vùng hiện có 827 cơ sở khám chữa bệnh công lập, trong đó có 31 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, với 5.245 gường bệnh. 5 tỉnh trong vùng cũng có 54 bệnh viện tuyến huyện, với 4.275 gường bệnh, 51 phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh với gần 600 gường. Hầu hết các xã trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã có trạm y tế, có 82,4% số trạm y tế có bác sĩ làm việc, 99,3% số thôn, buôn, bon, làng của Tây Nguyên có nhân viên y tế hoạt động. Các tỉnh Tây nguyên còn có 5 bệnh viện tư nhân, với 300 giường bệnh và 399 cô đỡ ở thôn, buôn, bon, làng phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào các dân tộc. Đắk Lắk là địa phương có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh nhất so với các tỉnh khác trong vùng Tây Nguyên, với 8 cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, với 1.610 giường bệnh, tuyến huyện có 14 cơ sở, với 1.750 gường và 184 xã, phường đều có trạm y tế, và 100% có bác sĩ công tác tại trạm y tế, với 920 gường bệnh.
Nhân viên y tế tỉnh Đắk Lắk tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào dân tộc Ê đê, M’ Nông xã Đắk Liêng, huyện Lắk. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đầu tư cở sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo cán bộ, y bác sĩ… góp phần ngày càng nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Nhiều Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh trong vùng đã có máy chụp CT Scaner, MRI, công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị và các kỹ thuật y tế chuyên sâu từng bước được cập nhật, ứng dụng ngay tại các bệnh viện trong khu vực. Nhờ vậy, đã góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Cụ thể, số lượt người đến khám, điều trị bệnh ngày càng tăng, nếu như năm 2012 có gần 8,820 triệu lượt người thì đến năm 2015 đã tăng lên trên 10 triệu lượt người, số bệnh nhân điều trị nội trú, cũng như số ngày điều trị nội trú tăng gấp 2, gấp 3 lần so với năm 2004, tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên được cải thiện đáng kể, nhất là sau khi các bệnh viện tuyến huyện được đầu tư trang bị các trang thiết bị, dụng cụ y tế, tăng cường bác sĩ có tay nghề vững về công tác…
Riêng 6 tháng đầu năm 2016, nhiều chỉ tiêu về sức khỏe của các tỉnh Tây Nguyên đã có tiến triển khá như tuổi thọ trung bình đạt 69,5, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 43,2% năm 2000 còn 16,9% năm 2016. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm từ ,4% năm 2001 xuống còn gần 22%, tỷ lệ phụ nữ mang thai tiêm đủ 2 mũi uốn ván trong các tỉnh đều cao….
Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trong vùng Tây Nguyên thuộc dạng cao so với cả nước. Ngay trong năm 2015, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế toàn quốc đạt khoảng 75,6% thì ở các tỉnh Tây Nguyên độ bao phủ của bảo hiểm y tế đã đạt khoảng 74%, khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế cũng ngày càng tích cực và hiệu quả hơn.
Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thời gian với, ngành y tế nói chung và y tế các tỉnh Tây Nguyên nói riêng cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế địa phương từ tỉnh đến cơ sở, củng cố, ổn định mô hình tổ chức của các trạm y tế theo Nghị định 117 của Chính phủ về y tế xã, phường, thị trấn… Đồng thời phát triển các cơ sở y tế quân dân y kết hợp, từng bước xây dựng mô hình bác sĩ gia đình, thực hiện quản lý sức khỏe toàn diện, bao phủ, chăm sóc sức khỏe toàn dân tại cộng đồng. Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần chú trọng công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh chủ động, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, dập dịch kịp thời không để dịch bệnh lớn xảy ra. Kiện toàn, tăng cường năng lực của các trung tâm thuộc hệ dự phòng tuyến tỉnh, từng bước hình thành trung tâm kiểm soát bệnh, dịch tuyến tỉnh…
Về công tác khám, chữa bệnh do địa bàn rộng, dân cư thưa, giao thông khó khăn, cần sớm hoàn thành bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, phát triển hệ thống bệnh viện đa khoa khu vực là bệnh viện tuyến tỉnh trực thuộc Sở Y tế, đảm nhiệm công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc một số huyện. Đồng thời, cần ưu tiên đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực cho các bệnh viện huyện để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh, nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh để nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên.
Tăng cường đào tạo để bổ sung cán bộ y tế, thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ tuyến trên về tuyến dưới, xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ y tế về công tác ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, các chuyên khoa khó tuyển người… Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần tiếp tục triển khai tốt chính sách bảo hiểm y tế, các chính sách khác về hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế, xã hội khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương…
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh vùng Tây Nguyên cần có ý kiến trình Chính phủ, Quốc hội tăng chi đầu tư cho y tế các tỉnh Tây Nguyên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, trong đó, cho sử dụng Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 để hoàn thành đầu tư (cả trang thiết bị) cho bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, một số bệnh viện của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, mở rộng bệnh viện đa khoa Đăk Nông. Đầu tư xây dựng mới một số bệnh viện tuyến huyện mới chia tách… Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |