Đến nay, chưa ai có thể xác định chính xác những loại bánh dân gian ở Nam Bộ có tự bao giờ, người đầu tiên cho ra đời là ai, chỉ biết bánh dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ bằng hình thức truyền miệng và thực hành theo cách “cha truyền con nối”. Đơn cử một số loại bánh rất nổi tiếng có mặt hàng trăm năm như: Bánh xèo Cần Thơ; bánh tráng Mỹ Lồng (Bến Tre), Thạnh Hưng (Kiên Giang); bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre); hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang); bánh canh Vĩnh Trung (An Giang); bún nước lèo (Sóc Trăng)…
Bánh hỏi “Út Dách” (Nguyễn Văn Dách) huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Xiềm (Mười Xiềm), người đã từng mang bánh xèo Việt Nam đi biểu diễn, truyền dạy ở Mỹ và một số nước khác cho biết “…bánh dân gian là hồn dân tộc, mình phải trân trọng giữ gìn và quảng bá ở mọi lúc, mọi nơi không để mai một, đó là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam…”.
Đồng bào người Chăm Nam Bộ, nhiều nhất là An Giang cũng có các loại bánh quan trọng trong đời sống tinh thầnm đặc biệt là bánh gừng (NònYa) có mặt trên bàn thờ tổ tiên trong tất cả các ngày lễ trọng đại như: lễ cưới, Tết Katê. Người Hoa ở ĐBSCL lại chú trọng và thường chế biến và dùng bánh Tổ vào những dịp lễ Tết với ý nghĩa sung mãn, tấn tài, tấn lộc, buôn may, bán đắt. Người Khmer Nam Bộ có món ngon đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa là cốm dẹp là sản vật phẩm chủ lực trong Lễ Cúng Trăng (OkOmBok) truyền thống vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hằng năm và các lễ hội quan trọng khác.
Nghề làm bánh phồng truyền thống của người dân Nam Bộ đã có từ xa xưa. |
Ông Chau Cắt, người Chăm ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết thêm “…Chúng tôi luôn gìn giữ và lưu truyền cho con cháu về cách nấu nướng, chế biến các món bánh dân gian để luôn giữ hồn dân tộc…”.
Theo nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm và đã truyền dạy các loại bánh lâu đời cho biết: Bánh Nam Bộ luôn mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước và kinh tế nông nghiệp, tái hiện khung cảnh sinh hoạt, lao động của người Nam Bộ xưa. Cụ thể những loại bánh thường làm bằng gạo, nếp, cây trái, thủy sản mang đậm hương vị sông nước. Cạnh đó bánh dân gian Nam Bộ không chỉ mang tính tâm linh là để dâng cúng bậc tiền hiền mà còn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra bánh dân gian còn dùng để làm quà biếu bà con, thân tộc, bạn bè để tỏ lòng tôn trọng. Song song đó các loại bánh này luôn có mặt trong mỗi gia đình khi chủ nhà có tang, ma, hiếu hỉ.
Chè trôi nước là một món ăn quen thuộc của người dân Nam Bộ. |
Đứng trước nguy cơ thất truyền về những loại bánh dân gian một thời vang danh trong và ngoài nước, đã và đang thể hiện hồn dân tộc, tổ tiên trải qua dòng thời gian, nhiều địa phương ở Nam Bộ đã đưa bánh dân gian vào các cuộc thi, lễ hội truyền thống. Nhiều nơi còn phát triển thành những làng nghề đặc biệt của riêng mình để phát huy và vẫn giữ bản sắc, tinh túy. Mô hình đầu tư các làng nghề ẩm thực trong các tuyến du lịch như Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang… đang được nhân rộng và phát huy hiệu quả rất đáng phấn khởi. Năm 2014, tại Hội thảo "Bảo tồn và phát huy bánh dân gian Nam Bộ" ở Cần Thơ năm 2014, nhiều nghệ nhân đều có chung nhận định: Bánh dân gian Nam Bộ có vai trò quan trọng thu hút đầu tư và phát triển du lịch, vì vậy các địa phương cần đẩy mạnh việc quảng bá, thiết lập bản đồ nghề bánh dân gian, gắn với các tuyến du lịch để tạo thêm điểm đến, chú trọng xây dựng thương hiệu, hài hòa giữa ẩm thực Nam Bộ với xu hướng ẩm thực thế giới. Ngoài ra cần có chính sách khuyến khích nghệ nhân, mở lớp đào tạo, truyền dạy kỹ năng thực hành di sản văn hóa phi vật thể bánh dân gian Nam Bộ.
Hy vọng rằng lễ hội bánh dân gian Nam Bộ do TP Cần Thơ tổ chức vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương từ ngày 27/4/2015 đến ngày 1/5/2015, hàng trăm loại bánh ngon, hấp dẫn sẽ được giới thiệu đáp ứng được nhu cầu quảng bá thương hiệu, phục vụ tốt khách đến tham quan, thưởng thức. Đây còn là nét đẹp văn hóa dân tộc đang được cộng đồng ra sức giữ gìn hàng trăm năm qua.