Theo ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, diện tích sắn mở rộng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu từ đất lâm nghiệp. Nói cách khác, người dân đã tự chuyển đổi diện tích rừng sang trồng sắn. Tại các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk diện tích sắn lớn hơn nhiều so với diện tích mà tỉnh đề ra. Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, Nguyễn Văn Lạng nhận xét: “Sắn đang phát triển nóng… diện tích sắn thường ở những vùng còn rừng và rừng nghèo… Phát triển sắn hiện tại giống như phát triển cà phê 20 năm về trước với diện tích cà phê, theo kế hoạch khoảng 500.000 ha nhưng thực tế lên tới 700.000 ha”.
Người dân tự phát mở rộng diện tích trồng sắn gây khó khăn cho công tác quản lý. |
Đại diện Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện nay phát triển sắn không bền vững, dễ dẫn đến phá rừng. Hiện tượng này xảy ra rất nhiều ở các tỉnh miền núi và rất phổ biến từ Bắc vào Nam… Diện tích sắn phát triển quá nhanh gây mất cân đối về thị trường. Theo đó, Cục trồng trọt kiến nghị với các tỉnh Tây Nguyên cần kiên quyết ngăn chặn việc phá rừng trồng sắn. Chỉ thị 1140/CT-BNN-TT của Bộ NN&PTNT về việc phát triển bền vững cà phê, cao su, sắn, cũng nêu rõ “Hạn chế tối đa việc mở rộng diện tích sắn, đặc biệt cần đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục nông dân không tự trồng sắn tự phát trên các khu vực đã quy hoạch cho cây trồng khác, hoặc những diện tích có độ dốc lớn”. Để làm được điều này, Chỉ thị khuyến cáo: “Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trồng sắn”.
Theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 2/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ: “Ổn định diện tích sắn 450.000 ha vào năm 2020, sản lượng khoảng 11 triệu tấn để làm thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học; sử dụng đất có độ dốc dưới 15 độ, tầng dầy trên 35cm, chủ yếu ở miền núi phía Bắc, duyên hải Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ để sản xuất”. Quyết định 824/QĐ-BNN-TT của Bộ NN&PTNT ngày 16/4/2012 về việc phê duyệt đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng nhắc lại điều này. |
Các Quyết định của Chính phủ, Bộ NN&PTNT ra đời trong thời điểm diện tích sắn đã đạt trên 560.000 ha, cao hơn khoảng 110.000 ha so với con số đề ra của các cơ quan quản lý. Diện tích sắn tiếp tục tăng nhanh thể hiện sự hạn chế trong định hướng chính sách của các cơ quan quản lý. Điều này cũng chỉ ra một thực tế rằng sử dụng đất tại địa phương không chỉ đơn thuần chịu ảnh hưởng của chính sách của nhà nước mà còn bị tác động rất lớn từ thị trường. Ngoài ra, sử dụng đất cấp địa phương cũng phụ thuộc vào sinh kế của người dân, và “người dân nhìn vào nồi cơm của họ để ra quyết định”, như nhận xét của ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam. Nói cách khác, quyết định sử dụng đất của người dân, bao gồm cả các quyết định có liên quan đến việc chuyển đổi rừng sang trồng sắn bị chi phối bởi thị trường, sinh kế và không nhất thiết phản ánh các định hướng mà chính sách đề ra, bao gồm cả chính sách có liên quan đến bảo vệ rừng. Điều này giải thích tại sao việc chuyển đổi rừng trồng sắn vẫn đang tiếp tục diễn ra tại một số địa phương bất chấp những nỗ lực của các cơ quan bảo vệ rừng.
Phát triển nóng của ngành sắn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, không chỉ thể hiện qua việc diện tích trồng sắn tăng nhanh và nằm ngoài kiểm soát của các cơ quan quản lý mà còn thể hiện qua việc phát triển ồ ạt các nhà máy chế biến sắn trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội sắn, quy hoạch vùng nguyên liệu cho các loại cây hàng hóa còn chồng chéo, chưa thống nhất; việc tranh mua, tranh bán vẫn đang diễn ra. Hiện có chưa đến 1/3 số nhà máy chế biến sắn có quy hoạch vùng nguyên liệu, và hầu hết các nhà máy hiện tại có công suất vượt so với thiết kế.