Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020: Còn nhiều chông gai - Bài 1: Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn thấp

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020) dự tính tiêu hết 9.378 tỷ đồng cho 10 năm hoạt động, nay đã hết giai đoạn 1. Chặng đường này đã bộc lộ rất nhiều khó khăn, trong đó khâu quyết định sự thành công của đề án là đội ngũ giáo viên đạt chuẩn thì đang còn thiếu và yếu.

Giờ học của sinh viên lớp chất lượng cao chuyên ngành tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN


Một trong những nhiệm vụ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 là rà soát lại trình độ giáo viên để bồi dưỡng và nâng cao trình độ giáo viên đạt chuẩn theo khung trình độ châu Âu. Sau khảo sát, tại nhiều địa phương tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Đề án chỉ xếp hàng chục trên tổng số hàng trăm giáo viên dạy tiếng Anh của tỉnh. Thậm chí, ở những địa phương khó khăn còn không có giáo viên đạt chuẩn theo Đề án.

Một số nơi đã thực hiện việc dạy tiếng Anh tăng cường trong hơn 10 năm qua như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... khi tham gia Đề án Ngoại ngữ năm 2020 đã có nhiều thuận lợi về đội ngũ giáo viên. Tại TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn (trên 500 giáo viên dạy tiếng Anh tăng cường, 1.000 giáo viên dạy tiếng Anh tự chọn ở bậc tiểu học). Tuy nhiên đại diện Sở GD – ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, khi tham gia đề án, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ vẫn còn hạn chế như phương pháp dạy và học ngoại ngữ còn lạc hậu (học ngoại ngữ để đi thi) dẫn đến trình độ sử dụng ngoại ngữ của học sinh còn thấp.

Trong khi đó, không ít địa phương gặp khó khăn về mọi mặt khi khởi động Đề án. Ông Nguyễn Quang Ánh, Phó Giám đốc thường trực Sở GD – ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, mặc dù Ninh Bình có thuận lợi là có đề án 21 từ tháng 6/2008 của UBND thực hiện dạy tiếng Anh cho trường cấp III nhưng hiện nay, giáo viên dạy tiếng Anh về số lượng thì đủ còn trình độ chưa đạt chuẩn theo Đề án. Cụ thể, giáo viên tiểu học hiện nay mới chỉ đạt trình độ A2, có 1 giáo viên có trình độ B1 và không có giáo viên đạt trình độ B2. Giáo viên THCS chỉ đạt trình độ B1, số ít B2. Giáo viên THPT đã đạt trình độ B2, còn trình độ B1 chỉ có 8 giáo viên.

“Hiện nay tỉnh đã tập trung bồi dưỡng hơn 60 giáo viên. Tới đây, theo hướng dẫn của Bộ, chúng tôi cử 50 giáo viên bồi dưỡng ở ĐH Hà Nội, theo tinh thần lần lượt tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên. Nhưng để đề án thực hiện tốt thì cần bổ sung kinh phí để tỉnh thực hiện bồi dưỡng giáo viên. Theo tôi, Bộ cần cụ thể về điều này, ngân sách của Đề án là bao nhiêu phần trăm và địa phương chịu bao nhiêu phần trăm. Từ đó tỉnh mới có hướng cụ thể để bồi dưỡng giáo viên” - ông Nguyễn Quang Ánh nhấn mạnh.

Đánh giá chuẩn trình độ năng lực tiếng Anh theo Cambridge Esol: Hoàn thành chương trình tiểu học đạt trình độ Flyer (A); Tốt nghiệp THCS đạt trình độ PET (B1); Tốt nghiệp THPT đạt trình độ FCE (B2)/lớp 11 và CAE hoặc IELTS 6.0/lớp 12 (C1)

Có những tỉnh mới tham gia Đề án Ngoại ngữ 2020, trong khi điều kiện dạy và học tiếng Anh tại địa phương còn nhiều khó khăn. Bà Phùng Thị Hoàng Yến, Chuyên viên phụ trách việc dạy và học tiếng Anh, Sở GD – ĐT Phú Thọ bày tỏ: “Chúng tôi có đủ giáo viên tiếng Anh đạt trình độ từ cao đẳng trở lên. Còn giáo viên theo chuẩn Đề án, đến tháng 11/2011 chúng tôi mới có cuộc thi nhằm rà soát lại trình độ, rồi sẽ căn cứ vào kết quả cuộc thi đó để xây dựng lớp bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên đạt chuẩn. Song song việc này chúng tôi còn phải tổ chức bồi dưỡng các giáo viên tiếng Anh của tiểu học. Bởi những giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học hiện nay có những giáo viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng chưa qua nghiệp vụ sư phạm”.
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đề án được phê duyệt ngày 30/9/2008 nhưng đến tháng 6/2011 mới được cấp kinh phí hoạt động từ chương trình mục tiêu Quốc gia về GD – ĐT. Bộ đã vận dụng và huy động các nguồn vốn khác để có thể tiến hành phần công việc chuẩn bị cho Đề án và chính thức triển khai trong năm học 2010 – 2011. Vì vậy, một trong những điểm quan trọng mà đề án cần làm ngay đã phải buộc chuyển sang Kế hoạch năm 2012 là: Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng và triển khai các kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ngoại ngữ cho các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận trong quá trình tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh tiểu học, các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn do chưa có chỉ tiêu biên chế, chế độ tiền lương, thù lao cho giáo viên tiếng Anh tiểu học còn bất cập. Giáo viên tốt nghiệp đại học chuyên ngữ, trình độ năng lực ngoại ngữ đạt bậc 5 và năng lực sư phạm giỏi muốn tham gia dạy học tiểu học nhưng những quy định về trình độ và mức lương chưa tháo gỡ được nên không thu hút được số giáo viên này, trình độ cao nhưng lại thiếu người dạy tiếng Anh tiểu học.

Lê Vân

Bài cuối: Năm 2011 - 2015 sẽ chuẩn hóa được đội ngũ giáo viên
Bài cuối: Năm 2011 - 2015 sẽ chuẩn hóa được đội ngũ giáo viên

Giai đoạn 2 của Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2008 - 2020 (2011 - 2015) tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên nhằm đào tạo, bồi dưỡng song song với việc đẩy mạnh việc đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường đại học, cao đẳng theo chuẩn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN