Ba khâu đột phá chiến lược nhằm tạo sự thay đổi mạnh mẽ, tạo động lực to lớn thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 mà Chính phủ xác định gồm: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Tập trung đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục quốc dân; Gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ”. Do vậy, giáo dục đào tạo được xem như đòn bẩy để phát triển chất lượng nguồn nhân lực nước nhà.
Những bước tiến đáng ghi nhận
Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) cuối kỳ năm 2012, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, trong những năm qua, giáo dục và đào tạo Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc; chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực đã qua đào tạo đạt được những bước tiến đáng ghi nhận.
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hành kỹ thuật tiện trên thiết bị hiện đại. Ảnh: Danh Lam – TTXVN |
Bộ trưởng dẫn chứng, mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao trình độ nghề nghiệp của người lao động. Hệ thống giáo dục quốc dân tương đối hoàn chỉnh, thống nhất, đa dạng và phủ kín cả nước với 23,5 triệu người đi học. Tình trạng “xã trắng” về giáo dục mầm non cơ bản đã được xóa, đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Trường tiểu học, THCS có ở tất cả các xã. Trường THPT có ở tất cả các huyện. Hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục cộng đồng phát triển mạnh. Mạng lưới các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp đã bao phủ hầu hết các địa phương và các ngành kinh tế, với quy mô 630.000 học viên (năm học 2011 - 2012). Giáo dục đại học ngày càng được mở rộng, đạt quy mô 2,2 triệu sinh viên (năm học 2011 - 2012).
TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, Bộ GD - ĐT dẫn chứng, trong giai đoạn từ năm 2000 - 2010, tổng số nhân lực qua đào tạo ở tất cả các trình độ đã tăng gấp 3,4 lần, từ 5,9 triệu người (năm 2000) lên 20,1 triệu người (năm 2010). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng từ 16% năm 2000 lên 40% năm 2010. Trong đó, nhân lực được đào tạo ở bậc sau đại học tăng khá nhanh, đạt gần 140.000 người trong giai đoạn 2005 - 2010. Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo từng bước được cải thiện. Trình độ hiểu biết, năng lực tiếp cận tri thức của học sinh, sinh viên không ngừng được nâng cao.
Để giáo dục là “đòn bẩy”
Giáo dục rõ ràng có vai trò quan trọng và thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, những nỗ lực của ngành giáo dục vẫn chưa thực sự là đòn bẩy mạnh mẽ, trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế đất nước. Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận, nhân lực chưa qua đào tạo hiện tại vẫn chiếm số đông, đồng thời, nhân lực chất lượng cao chiếm tỷ lệ rất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người lao động khó có thể tham gia và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Sau hơn 2 năm hoạt động, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội hiện đang đào tạo gần 2.500 sinh viên ở 16 nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trên địa bàn thủ đô. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
|
Hiện cơ cấu phân bổ lao động theo ngành nghề đang mất cân đối nhân lực trong các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỉ lệ thấp, còn các ngành xã hội, luật, kinh tế, ngoại ngữ... lại quá cao. Một bộ phận không nhỏ nguồn nhân lực qua đào tạo có khuynh hướng “nặng về lý thuyết, nhẹ về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường công nghiệp còn yếu”. Kỹ năng nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của lao động chưa cao lao động kỹ thuật sau khi ra trường thiếu các kỹ năng căn bản như: Kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng mềm về làm việc nhóm, ngoại ngữ, giao tiếp, giải quyết vấn đề, thuyết trình, tự học, sáng tạo, khả năng thích ứng với thực tiễn...
Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, cơ cấu đào tạo hiện còn bất hợp lý. Điều này được thể hiện qua các tỷ lệ: Đại học và trên đại học là 1, trung học chuyên nghiệp 1,3 và công nhân kỹ thuật là 0,92. Trong khi trên thế giới tỷ lệ này là 1 - 4 - 10. |
TS Phạm Văn Sơn cho biết, các doanh nghiệp, các cơ quan sau khi tuyển dụng lao động đều tiến hành đào tạo bổ sung, bồi dưỡng trước khi sử dụng họ, cho dù, phần lớn số lao động được tuyển dụng đều có trình độ chuyên môn; thậm chí là cả với những nhóm thạc sĩ. Bên cạnh đó, tinh thần, trách nhiệm làm việc, đạo đức nghề nghiệp ở một bộ phận nhỏ người lao động chưa cao.
“Hiện tại, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ vào các ngành nghề chưa theo định hướng phát triển nhân lực đất nước, chưa phù hợp với đòi hỏi nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền. Vì vậy, việc quy hoạch, quản lý và mở ngành đào tạo hiện nay cần phải nghiên cứu lại để phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển nguồn nhân lực quốc gia; tránh tình trạng các trường chạy đua để chiều theo thị hiếu của thí sinh hơn là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. Nếu không điều chỉnh kịp thời, cán cân cung - cầu nguồn nhân lực ngày càng mất cân đối, hệ lụy đến sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội là tất yếu”, TS Phạm Văn Sơn nhấn mạnh.
Tính đến hết năm 2010, trong số 20,1 triệu lao động đã qua đào tạo trên tổng số 48,8 triệu lao động đang làm việc, thì chỉ có 8,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước cấp (chiếm 17,2% tổng số lao động hiện đang làm việc). |
Thực tế cho thấy, vấn đề phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh chưa hợp lý, việc thành lập trường, mở mới các ngành tràn lan trong những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực nước nhà. Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ GD - ĐT cho rằng, việc tăng quy mô đào tạo sau đại học trong những năm gần đây phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tuy nhiên, việc tăng quy mô đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ trong khi đội ngũ giảng viên có trình độ Tiến sĩ, PGS và GS chưa tăng với tỷ lệ tương ứng về số lượng và chuyên ngành đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo sau đại học của các trường trực thuộc Bộ và toàn ngành nói chung.
Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận: Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế được coi là khâu then chốt trong hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Bộ GD - ĐT đã có những điều chỉnh đối với các bậc học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực. Đối với giáo dục đại học, Bộ GD - ĐT đã có những quyết sách với tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 như: tiếp tục xiết chặt chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh chỉ tiêu với các ngành nghề, không thành lập mới các trường đại học. Bộ sẽ phối hợp với các ngành liên quan tiến hành điều tra, khảo sát thường xuyên về nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương. Từ đó, có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo cân đối cung - cầu nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước và trong từng ngành, từng cấp. Các ngành, các địa phương và bản thân các trường cần chủ động đổi mới công tác dự báo nhu cầu lao động để có hướng đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD - ĐT: Các trường THCS, THPT cần đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Các trường ĐH, CĐ, TCCN cần tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Thực tế, công tác hướng nghiệp cho học sinh chưa được các trường quan tâm, đầu tư đúng mức. Việc lựa chọn nghề của học sinh do gia đình hoặc tự bản thân học sinh tiến hành. Bản thân học sinh và gia đình các em lại không nắm được định hướng phát triển nhân lực của đất nước, của từng địa phương; các em lại thường lựa chọn ngành học theo “phong trào”. Bên cạnh việc đổi mới công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, các trường cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là đại học. Ngành sẽ điều chỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đại học, chuyển đổi từ cơ chế nhà nước kiểm soát sang cơ chế nhà nước giám sát. Đổi mới cách thức xây dựng và phát triển nội dung, chương trình đào tạo, xây dựng khung trình độ quốc gia. Đổi mới hoạt động khoa học công nghệ trong các trường đại học theo hướng gắn kết và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, khuyến khích tạo dựng các doanh nghiệp khoa học công nghệ. |