Trong khi ngành giáo dục tìm mọi cách hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm thì hình thức học tập này lại... phát triển một cách bất ngờ. Nhiều thầy cô và học sinh, dù không muốn, vẫn phải học thêm, dạy thêm. Tình trạng này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Có phải chúng ta đã không kiểm soát được học thêm, hay giáo dục chính khóa chưa hoàn thiện là nguyên nhân đưa đẩy học sinh, giáo viên ra những lò “ngoài hành lang” như thế?
Muốn được hiểu biết thêm là nhu cầu rất tự nhiên của người học. Có thể do họ cảm thấy những gì mình được tiếp thu thấp hơn hoặc cao hơn so với trình độ. Nhưng suy cho cùng, đối tượng ấy không nhiều. Rất nhiều phương pháp mới đã được “đề nghị” giáo viên vận dụng. Phân phối chương trình, sách hướng dẫn và những quy định về kiểm tra, đánh giá đã lập trình để người dạy không ra khỏi quỹ đạo của… đảm bảo chất lượng. Chỉ có điều nó có thật sự tạo được hứng thú cho người dạy và học không? Đôi khi chính những khiên cưỡng trong phương pháp dạy đã khiến người thầy không tạo được hứng thú cho học sinh và cả cho mình.
Học thêm từ chỗ nhỏ lẻ, tự phát bỗng trở thành tiêu chí đánh giá trình độ giảng dạy hơn là các danh hiệu giáo viên giỏi. Nhiều thầy cô giảng dạy ở các “lò” học thêm, không bị gò theo các “phương pháp” và quy định lại rất thành công và thu hút. Được dạy trong một môi trường lấy tiêu chí chất lượng sản phẩm để đánh giá sẽ làm người dạy hứng thú hơn khi là phải đổi mới theo những khuôn mẫu gò ép.
Dường như có một sự gần gũi nhất định giữa dạy thêm và giáo dục chính khóa của các nước tiên tiến ở sự tự chủ và tích cực hiệu quả. Đương nhiên vì đó là con đường tất yếu để bảo toàn chất lượng thực sự của giáo dục. Tuy vẫn có những trường hợp thầy cô ém bài cho lớp học thêm, buộc học trò phải học thêm nhưng đó chỉ là phần tử cơ hội ẩn trong một trào lưu có sức thuyết phục. Khi bản năng sinh tồn của tri thức đã mách bảo học sinh; khi phụ huynh mở cửa sau cho con em mình đến với các lò luyện thì biết đâu đấy lại là một cách cải cách giáo dục một cách tự phát? Thử hỏi những tài năng khoa học đã được thụ giáo những người thầy theo một lối nào? Thử hỏi nếu một học sinh suốt thời đèn sách được tiếp thu 100% các giờ “chuẩn”như lúc thầy, cô thao diễn thì họ sẽ vươn tới đâu? Và phải chăng, học thêm mới thực sự là học chính, học thật, là nguồn “dinh dưỡng” đích thực cho các em? Một câu hỏi rất khó lọt tai nhưng biết đâu chân lí đang nằm ở chính trong vùng tự ái của mỗi chúng ta…
Lâm Việt