Kết nối cung - cầu để vườn ươm công nghệ hiệu quả

Những năm gần đây, thông qua hoạt động xây dựng mô hình vườn ươm công nghệ tại các trường đại học, nhiều nhóm các nhà nghiên cứu khoa học trẻ tuổi đã sản xuất ra nhiều sản phẩm mới, dịch vụ mới, có hiệu quả kinh tế cao… Tuy nhiên, theo một số chuyên gia khoa học công nghệ (KHCN) để mô hình này thực sự hiệu quả thì cần phải có sự gắn kết hơn nữa giữa KHCN và hoạt động thương mại.

Thiếu gắn kết giữa người sáng chế và DN

Trao đổi với Tin Tức, PGS. TS. Trần Văn Bình - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về quản lí (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - ĐHBK, nay trung tâm đã ngừng hoạt động) cho biết: Trước đây, trung tâm đã thực hiện rất thành công mô hình Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ CRC đầu tiên tại Việt Nam năm 2004.

Sinh viên làm thí nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường của trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN


Ngoài ra, Việt Nam còn có các mô hình Vườn ươm công nghệ thuộc Đại học Nông lâm, Đại học Quốc gia; vườn ươm của Tập đoàn FPT (nay đã ngừng hoạt động); Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Khu công nghệ cao Hòa Lạc...

Các vườn ươm công nghệ hướng tới mục tiêu hỗ trợ, ươm tạo và phát triển các DN công nghệ; tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư; giúp trường - viện định hướng nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và giúp tạo lập các yếu tố cho hoạt động của thị trường công nghệ (sản phẩm công nghệ, phía cung, phía cầu, phía trung gian, tư vấn, thông tin KHCN)...

Tuy nhiên theo PGS.TS. Bình, hoạt động vườn ươm tại các trường đại học nói chung chưa thực sự hiệu quả. Ông Bình chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu mấy năm nay về mô hình vườn ươm thì thấy rằng, tiềm năng của các nhà KHCN là rất lớn, nhu cầu của DN thì khát công nghệ, sáng kiến để ứng dụng trong khâu sản xuất sản phẩm rất cao nhưng tới nay vẫn không có sự gắn kết giữa người sáng chế và DN”.

Tìm hướng phát triển cho vườn ươm công nghệ

Một lãnh đạo Vườn ươm ĐHBK TP.HCM cũng thừa nhận: Hiện nay, hoạt động vườn ươm ở các trường đại học còn rất manh mún, nhỏ lẻ. Do vậy, điều quan trọng là phải tìm hướng đi để vườn ươm phát triển được bền vững.

Để mô hình vườn ươm thực sự hiệu quả, một số chuyên gia KHCN cho rằng: Vườn ươm nên được xây dựng theo mô hình công – tư hợp tác với đối tác tham gia là: Các DN (nhu cầu ứng dụng công nghệ), các tổ chức KHCN (triển khai nhiệm vụ KHCN quốc gia), các nhà khoa học (ươm tạo các sản phẩm KHCN), các nhà đầu tư (tìm kiếm cơ hội đầu tư). Theo đó, các sản phẩm ươm tạo được tuyển chọn từ các đề tài, dự án đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước; ý tưởng đề xuất của các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức… cần được hỗ trợ để ứng dụng trong đời sống.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tin Tức, một nhà nghiên cứu tại Hà Nội sau rất nhiều năm sáng chế ra dây chuyền làm nước chanh muối có gas từ nước khoáng đã đem bán cho một DN tại tỉnh Quảng Ninh chỉ có giá là 30 triệu đồng. Sau khi lắp thành công dây chuyền này, doanh số của DN đã tăng 18 tỷ đồng so với trước. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự vào cuộc của các DN, các nhà đầu tư... để sản phẩm trí tuệ của các nhà khoa học tại các vườn ươm công nghệ được đưa ra thị trường, tạo ra nhiều của cải, vật chất cho xã hội.

Tình trạng chất xám “rẻ như bùn” cũng đang diễn ra phổ biến ở các tổ chức nghiên cứu KHCN tại các trường đại học. Chỉ quen làm nhiệm vụ nhận đề tài về nghiên cứu, không có bộ phận quan hệ công chúng (PR), quảng cáo sản phẩm, tạo thị trường nên các kết quả nghiên cứu được chuyển giao vào thực tế còn rất hạn chế.

M. Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN