Giáo dục phải nghiêm minh
Ngay sau khi phát hiện ra nhóm học sinh nói xấu thầy cô, nhà trường trong một nhóm kín Facebook, lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Trãi quyết định đuổi học một năm 3 học sinh và đuổi học một tuần 4 em khác, 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường.
Vụ việc này được Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa kết luận, quyết định của nhà trường như vậy là nóng vội, thiếu thận trọng không mang tính chất giáo dục đối với học sinh đầu cấp, mới vào nhà trường. Không những thế quyết định kỷ luật đuổi học các em là quá nặng khi chưa có những biện pháp mang tính giáo dục. Từ đó, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Trường THPT Nguyễn Trãi thu hồi lại Quyết định kỷ luật học sinh trước đó và thông báo cho các em ngày trở lại trường học bình thường.
Câu chuyện không chỉ phản ánh sự lúng túng của nhà trường trước hành vi sử dụng mạng xã hội chưa đúng đắn của các em học sinh mà còn cho thấy sự khó khăn trong việc đảm bảo tính nghiêm minh của từng quyết định xử phạt trong môi trường giáo dục.
Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), khẳng định: quyết định của Trường THPT Nguyễn Trãi không vội vàng nhưng quá nặng. "Không xử lý ngay mà dây dưa kéo dài thì còn gì tính nghiêm minh và giáo dục. Nhưng nhà trường trước khi ra quyết định phải họp hội đồng kỷ luật, làm các quy trình chặt chẽ, cân nhắc thiệt hơn, tập thể thống nhất"- thầy Hà Xuân Nhâm phân tích.
Đối với các giáo viên, việc đọc được những lời lẽ bất kính của học sinh về chính thầy cô đang dạy dỗ mình, là nỗi đau rất lớn. Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường, giảng viên Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội chia sẻ: Tôi hiểu việc học sinh nói xấu giáo viên là có nguyên nhân. Nếu giáo viên biết đối xử công bằng, kiên nhẫn, dù la mắng cũng có tình cảm, hướng các em theo tích cực thì dù là học sinh cá biệt cũng sẽ cảm nhận tình cảm của thầy cô dành cho mình. Còn lúc nào cũng làm cho học sinh cảm thấy xa cách và phân biệt đối xử thì các em sẽ có bức xúc dẫn tới những hành động thiếu suy nghĩ.
Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường cũng khẳng định: việc nói xấu giáo viên sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự người thầy, tới công tác giáo dục của nhà trường. Vì vậy, việc nhà trường đuổi học một thời gian đối với các em này là hợp lý, cần thiết. Bởi học sinh đến trường thì phải chấp hành nội quy, quy chế của nhà trường. Trong trường hợp này, các em là học sinh THPT, đã đủ lớn để nhận thức được hành vi của mình.
“Ngược lại, nếu học sinh vi phạm quy chế mà không bị xử lý, liệu có còn dạy dỗ được nữa hay không? Các học sinh khác sẽ cho rằng hành vi này là được phép. Còn với các em vi phạm, khi không bị xử lý sẽ hình thành tư tưởng xem thường, thách thức giáo viên, coi thường nội quy, quy chế của nhà trường. Sau này, các em dễ sa vào coi thường, vi phạm pháp luật”- thầy Nguyễn Cao Cường phân tích.
Mọi xử phạt đều phải hướng tới giáo dục
Về hình thức xử phạt, đa số các nhà giáo cũng cho rằng việc áp dụng hình thức khắt khe để kỷ luật học sinh là "không mang tính giáo dục hiện đại”.
“Việc khen thưởng và thi hành kỉ luật đối với học sinh là một trong các biện pháp giáo dục quan trọng trong nhà trường phổ thông, nhằm mục đích: Khuyến khích học sinh phấn đấu vươn lên, noi theo các gương tốt để tu dưỡng và rèn luyện bản thân; Ngăn chặn không để các hiện tượng sai trái phát triển, giáo dục các học sinh phạm sai lầm, giúp các học sinh này phấn đấu trở thành học sinh tốt”. (Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông)
Dù khẳng định xử phạt phải nghiêm minh, thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cũng cho rằng những án phạt quá nặng không đảm bảo mục tiêu giáo dục là giáo dục nhân cách. Theo thầy, giáo dục là một quá trình lâu dài, phải nghĩ đến tương lai của các học sinh. Thầy cô phải phân tích rõ, có những giải pháp để nâng cao vai trò của giáo dục.
“Trước những hành vi học sinh vi phạm, các thầy cô cần phải tìm hiểu, đánh giá, xem các em đang ở giai đoạn nào, bị ảnh hưởng tâm lý ra sao, không thể áp đặt chung hình thức kỷ luật cho các trường hợp” - thầy Hà Xuân Nhâm chia sẻ.
Đồng tình về việc cần cân nhắc tâm lý lứa tuổi để đảm bảo mỗi quyết định xử phạt đưa ra đủ sức răn đe và giáo dục học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khẳng định: trong mọi ứng xử của nhà trường với học trò, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải hướng tới giáo dục các em.
“Sai lầm của học sinh đôi khi lại là tình huống tốt để sự giáo dục có hiệu quả hơn. Một sai sót của trò khi được thầy cô đánh giá, xử lý bằng tình yêu thương có thể giúp học sinh tự nhận thức sai lầm, thấm thía những điều mình gây ra và biết trân quý giáo viên hơn, tích cực học hành” - Thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Theo thầy Lâm, việc các học sinh nói xấu thầy cô là điều đáng nên án. Tuy vậy, ở lứa tuổi dậy thì (tuổi 15-16) học sinh đang trong quá trình phát triển, đang hình thành nhân cách nên có sự bồng bột trong suy nghĩ, hành xử. Việc mắc sai lầm là không tránh khỏi. Quá trình giáo dục hay xem xét kỷ luật học sinh, giáo viên cần cân nhắc về tâm lý lứa tuổi để đưa ra mức phù hợp. Việc áp dụng hình thức kỷ luật khắt khe đôi khi phản tác dụng.