Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, việc lắp đặt camera nhằm hỗ trợ công tác quản lý trường mầm non, đồng thời tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi gửi con tại cơ sở mầm non. Việc triển khai thí điểm lắp đặt camera sẽ là một trong những giải pháp nhằm quản lý hoạt động chăm sóc, đảm bảo an toàn cho trẻ tại trường.
Tuy đây là một giải pháp quản lý mạnh nhằm cảnh báo, ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ nhưng chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề này trong nhà trường. Điều cốt lõi là hướng tới xây dựng đội ngũ giáo viên có đủ kỹ năng, kiến thức và sự tâm huyết, yêu thương trẻ em.
Lắp camera trong trường mầm non chỉ là phần ngọn, điều cốt lõi là phải xây dựng đội ngũ giáo viên có đủ kỹ năng, sự tâm huyết, yêu thương trẻ. |
52% giáo viên không đồng thuận
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 1.200 trường mầm non (trong đó có 465 trường công lập, 743 trường ngoài công lập); 1.845 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Thực tế, hiện nay đa phần các trường mầm non trên địa bàn mới chỉ lắp đặt camera ở sân trường để bảo vệ an ninh, tỷ lệ lắp đặt trong lớp học thấp.
Cụ thể, gần 48% trường mầm non công lập đã gắn camera ở sân trường, hành lang, cầu thang; chỉ 0,9% có gắn camera trong lớp học. Còn tại các trường mầm non tư thục, có gần 73% trường gắn camera ở sân trường, hành lang, cầu thang, chỉ có 4,48% gắn camera trong lớp học. Ở nhóm trẻ độc lập tư thục có khoảng 52% nhóm gắn camera ở sân trường và 10% có gắn trong nhóm, lớp học.
Chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo kế hoạch lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố từ 2018 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát nhu cầu của giáo viên, phụ huynh tại ba quận, huyện sẽ thí điểm trong năm học tới là Quận 1, Quận 12 và huyện Hóc Môn.
Theo kết quả khảo sát này, có đến 88% phụ huynh đồng ý lắp camera trong lớp học. Tuy nhiên, cũng có 52% giáo viên không đồng ý với nội dung này bởi họ cho rằng, điều này sẽ vi phạm sự riêng tư của học sinh và giáo viên. Mặc dù đa số phụ huynh đồng tình với việc lắp đặt camera trong lớp học nhưng cũng có 50% trong số đó không đồng tình với việc đưa hình ảnh của trẻ tại lớp công khai rộng rãi.
Kết quả khảo sát này cũng cho thấy, giáo viên cảm thấy bị áp lực về tâm lý khi lắp đặt camera trong lớp, dẫn đến mệt mỏi. Hơn nữa, nếu phụ huynh không hiểu về phương pháp giảng dạy của giáo viên mà chỉ xem qua màn hình có thể dẫn đến hiểu lầm.
Theo dự thảo kế hoạch lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố từ 2018 - 2020, sau khi triển khai thí điểm tại 3 quận, huyện trong năm học 2018 - 2019, thành phố sẽ triển khai đại trà tại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Vị trí lắp đặt gồm phòng học, phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp; khu vực sân chơi, khu vui chơi, khu vực hành lang, cổng trường, bãi giữ xe. Phụ huynh không cập nhật hình ảnh của trẻ để không vi phạm về quyền riêng tư của giáo viên và học sinh nhưng có thể vào trường xem khi có những biểu hiện bất thường của trẻ.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng cho biết có một số khó khăn khi triển khai việc lắp camera trong lớp học như thiếu nhân sự quản lý, theo dõi hệ thống camera đối với những nơi có nhiều điểm trường; các trường mầm non công lập không có kinh phí để lắp đặt.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non có lắp đặt camera cần giám sát, kiểm tra thường xuyên để xử lý kịp thời. Sở cũng tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc lắp camera tại nhóm, lớp.
Cần nhất là chữ "tâm" của nghề giáo
Nhiều ý kiến cho rằng, việc lắp camera mới chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề bạo hành trẻ, dù vậy vẫn cần thiết lắp camera tại lớp học. Đồng tình với việc lắp camera trong lớp mầm non, ông Trần Trung Mậu, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều này giúp người đứng đầu đơn vị quản lý chủ động trong việc kiểm tra hoạt động của lớp học. Thực tế, nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập đã gắn camera trong lớp học và kết nối trực tuyến với phụ huynh. Khi ấy, phụ huynh yên tâm hơn vì có thể quan sát, nắm bắt được tình hình ở lớp của con.
Đề cập đến một khía cạnh khác, ông Trần Trung Mậu chia sẻ, vấn đề mà nhiều người còn băn khoăn, phản ứng, đó là ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên. Giáo viên cảm thấy luôn bị theo dõi, sẽ có tâm lý dạy theo kiểu đối phó chứ không thoải mái, hết mình với công việc được. Tuy nhiên, theo ông Trần Trung Mậu, đây chỉ là vấn đề tâm lý ban đầu, vì thế nhà trường, xã hội và cả phụ huynh nên có sự chia sẻ, đồng cảm để giải tỏa tâm lý cho giáo viên, giúp giáo viên ổn định tinh thần làm việc.
Ở góc độ giáo viên, cô Nguyễn Thị Kim Oanh (giáo viên mầm non ở quận Tân Bình) cho rằng, tâm lý chung của phụ huynh là gửi con chỗ nào có camera sẽ yên tâm hơn nên giáo viên cũng dần quen với việc này.
Nhiều năm làm công tác bảo vệ trẻ em, luật sư Trương Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc gắn camera trong lớp học mầm non không thể giải quyết tận gốc vấn đề bạo hành trẻ. Bởi nếu giáo viên có ý định bạo hành thì có gắn nhiều camera cũng không thể kiểm soát được. Ở góc độ pháp lý, việc kết nối trực tuyến hình ảnh lớp học đến phụ huynh sẽ ảnh hưởng tới quyền riêng tư của giáo viên, trừ khi giáo viên đồng ý.
Luật sư Trương Thị Ngọc Nữ cũng cho rằng, việc gắn camera nhằm phục vụ việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng là cần thiết. Tuy nhiên, cần phân công rõ trách nhiệm người quản lý hệ thống camera để khi có việc xảy có thể dễ dàng trích xuất camera phục vụ công tác quản lý. Xét cho cùng, cốt lõi vấn đề này vẫn là giáo viên; trong đó, việc đào tạo giáo viên có kiến thức, kỹ năng, tâm huyết với nghề… là yếu tố quyết định trong giải quyết tình trạng bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non.
Có con trong độ tuổi mầm non, chị Hồ Ngọc Anh Nhung (Quận 9) rất lo lắng mỗi khi có thông tin xảy ra các vụ bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non. Chị Nhung chia sẻ, dù quản lý bằng cách nào, giám sát ra sao, có lắp đặt camera hay không, những phụ huynh như chị khi gửi con đến trường chỉ mong chờ chữ tâm của giáo viên trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ.