Đó là chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý, thành viên tham gia dự án “Giới và phòng chống HIV/AIDS” được triển khai bởi Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) tại hội thảo “Chỉ đường cho hươu chạy có dễ?” diễn ra ngày 20/9, tại Hà Nội.
Các đại biểu đều cho rằng: Cung cấp kiến thức về giới tính toàn diện không phải là vẽ đường cho hươu chạy mà chính là để các em có thể chủ động giảm tỷ lệ phá thai sớm, phá thai không an toàn, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục (trong đó có HIV/AIDS).
Khảo sát của CGFED cho thấy: Hơn 74% học sinh THCS và THPT cho rằng cần thiết phải được giáo dục giới tính và hơn 72% cho rằng nên giáo dục ở độ tuổi 12 - 18 tuổi; hơn 85% các bậc phụ huynh cho rằng cần thiết phải giáo dục tình dục cho con em và có tới hơn 55% cho rằng nên giáo dục giới tính từ cấp tiểu học. Chính vì vậy, thời gian qua CGFED triển khai mô hình giáo dục tình dục an toàn tại 4 địa phương: Lục Ngạn (Bắc Giang); Ý Yên (Nam Định), thị xã Sông Cầu (Phú Yên), Bình Chánh (TP.HCM) với phương pháp triển khai dựa vào cộng đồng và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để truyền thông mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều sáng kiến, cách làm hay phù hợp với điều kiện địa phương đã được chính cha mẹ, thầy cô giáo và các em vị thành niên đưa ra tại các buổi sinh hoạt CLB, trường học.
Đại diện Tổng cục Dân số và KHHGĐ cho rằng: “Vấn đề tình dục không an toàn trong vị thành niên, thanh niên hiện đáng báo động với tỷ lệ 46% vị thành niên, thanh niên không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục lần đầu. Điều này làm tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục và HIV/AIDS. Các em ít được tiếp cận các thông tin kiến thức chính thức, bài bản.
Khảo sát cho thấy tiếp nhận qua thầy cô chiếm 19%, nhân viên y tế hay dân số 14%, mẹ 15%, cha 3%. Với điều kiện công nghệ internet như hiện nay, việc giáo dục không bài bản dẫn đến học sinh tò mò và truy cập vào trang web đen khiến kiến thức về giới tính, tình dục bị lệch lạc. Mô hình mà CGFED đang triển khai mang lại hiệu quả về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Từ mô hình của dự án, các địa phương cần nhân rộng, nhất là hướng tới đối tượng vị thành niên.
XM