PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Không ai dại gì loại tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa

Những ngày qua, dư luận xã hội xôn xao trước ý kiến của một nghiên cứu sinh tiến sĩ về việc nên loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo” khỏi sách giáo khoa. Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng Chủ biên Chương trình Ngữ văn mới, xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống.

Xin thầy cho biết, ý kiến loại bỏ Chí Phèo khỏi sách giáo khoa (SGK) của một thạc sĩ - nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục ở Trường Đại  học Newcastle (Australia) có phải là ý kiến đáng lưu tâm không? Vì sao?


Đó chỉ là ý kiến của một cá nhân, nhưng không phải vì thế mà không đáng lưu tâm. Điều đáng lưu tâm trước hết là: Sao lại có thể hiểu về tác phẩm Chí Phèo sai lệch đến thế.

Người viết đã tách hẳn một hình tượng văn học sống động, giàu ý nghĩa thẩm mỹ và nhân văn ra khỏi “môi trường” và đặc trưng nghệ thuật để chỉ xem xét và gán cho nó những ý nghĩa thuần túy đạo đức, chính trị xã hội một cách thô thiển; cái mà Sóng Hiền bảo là chỉ xem xét ở góc độ giáo dục đạo đức. Việc làm ấy giống như tách con cá ra khỏi hồ nước, chỉ nhìn thấy bộ xương rồi một mực cho rằng xương cá có thể làm người ăn bị hóc, do đó không nên nuôi cá và phải đưa cá ra khỏi bàn ăn.

Điều lưu tâm thứ hai là trong việc dạy tác phẩm này, nếu giáo viên hiểu theo hướng xã hội học dung tục như Sóng Hiền thì sẽ rất nguy hiểm. Nghĩa là nếu bài viết của Sóng Hiền có ý nghĩa thì chỉ như là lời nhắc một số giáo viên yếu kém về năng lực cần dạy cho đúng tác phẩm này như một tác phẩm văn học đích thực, đừng hiểu như ông ấy.

Đương nhiên đó không phải là nhận thức và quan điểm của đại đa số các thầy cô giáo dạy học văn trong nhà trường. Điều lưu tâm thứ ba là, không nên dành quá nhiều thời gian và sự quan tâm cho một ý kiến không mang tính phổ quát, không phải là bản chất mà chỉ có tính hiện tượng như thế; không nên bàn nhiều về chuyện này nữa.

Thầy có ý kiến gì về cách nói tác phẩm Chí Phèo có thể tác động tiêu cực đến tâm sinh lý của học sinh, cho dù tác phẩm đó có kinh điển đến như nào đi nữa? Đây có được coi là cách hiểu đúng về một tác phẩm giàu tính nhân văn của Nam Cao hay không?

Điều này thì nhiều người đã chỉ ra rồi. Nếu cứ lập luận như Sóng Hiền thì phải bỏ rất nhiều tác phẩm kinh điển ra khỏi chương trình, kể cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Các nhà văn có thể viết về bất cứ đề tài nào, nhưng cho dù viết về cái gì đi nữa thì cuối cùng ngòi bút của họ đều vẫn hướng con người đến với chân, thiện, mỹ. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết: "Dù anh viết xuôi viết ngược như thế nào, dù cho rằng anh viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi đau khổ, chán chường thì rút cuộc cũng để truyền thổi vào giữa tâm hồn người đọc một niềm tin vào cuộc sống, một tình yêu bát ngát đối với cuộc sống". (Tình yêu cuộc sống, báo Nhân Dân ngày 3- 2-1982). Vì thế sứ mệnh của dạy học văn trong nhà trường là làm “sáng lên và sang lên” giá trị nhân văn của các hình tượng ấy.

Không ai đi làm ngược lại theo kiểu dạy Chí Phèo để khuyến khích học sinh say rượu, đâm chém lẫn nhau và làm chuyện bậy bạ. Nếu có hiện tượng nào đó dạy Chí Phèo mà tác động tiêu cực đến tâm lý học sinh thì chỉ là do thầy cô dạy kém, cần uốn nắn chứ tuyệt nhiên không phải lỗi do tác phẩm và tác giả; càng không phải là lí do để loại bỏ tác phẩm ấy ra khỏi Chương trình và SGK.

Tác phẩm Chí Phèo là một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945.

Thưa thầy, Chương trình môn Ngữ văn mới khuyến khích học tập theo hướng mở, học sinh phát hiện, đề xuất các cách hiểu mới, khác lạ… Vậy nếu các học sinh hiểu tác phẩm Chí Phèo theo ý nghĩa tiêu cực, đây có phải là điều đáng lo ngại hay không?

Nếu lo như thế thì tốt nhất là đừng dạy tác phẩm nào nữa. Như trên tôi đã nói và trích ý kiến của nhà văn Nguyễn Minh Châu, không có tác phẩm văn học lớn nào lại đi ngược với tinh thần nhân văn. Vì vậy mặc dù viết về cái xấu, cái ác… không có nghĩa là nhà văn cổ súy cho cái xấu, cái ác.

Trong việc dạy và học các tác phẩm ấy, học sinh có thể đưa ra các ý kiến, cách hiểu khác lạ; nếu theo chiều hướng phản nhân văn thì chắc chắn đó là cách hiểu sai; nếu hiểu thiên lệch (không phản nhân văn) thì phải xem có lý và có sức thuyết phục không. Trong trường hợp này giáo viên nên cho học sinh tranh luận, phản bác để cùng tìm ra và đi đến một nhận thức hợp lý nhất. Phải biến các cách hiểu mới, khác lạ ấy thành cơ hội để giáo dục văn học, tiếp nhận nghệ thuật và giáo dục nhân cách. Vì thế không có gì đáng lo ngại cả.


Trả lời của thầy trên báo chí cho biết trong dự thảo Chương trình Ngữ văn mới đã hoàn thành, chuẩn bị xin ý kiến rộng rãi, có đưa tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao vào danh mục tác phẩm không bắt buộc. Như vậy là trong tương lai, có hay không khả năng tác phẩm giàu tính nhân văn này không xuất hiện hoàn toàn trong các SGK mới, thưa thầy?

Đúng là theo dự thảo Chương trình Ngữ văn mới, Chí Phèo cũng như nhiều tác phẩm lớn của nhiều tác giả khác chỉ đưa vào danh mục gợi ý cho các tác giả SGK và giáo viên lựa chọn để dạy và học về thể loại truyện ngắn hiện thực, nhằm giúp các em biết cách đọc thể loại này.

Tuy nhiên, trong các tiêu chí lựa chọn văn bản có tiêu chí: tác phẩm phải phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học dân tộc; phải có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; tăng tỉ lệ các văn bản đậm tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mỹ,… hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại.

Đối chiếu với các tiêu chí vừa nêu, không ai dại gì lại loại bỏ các tác phẩm kiểu Chí Phèo ra khỏi SGK và dạy học Ngữ văn trong nhà trường cả. Tôi tin và hy vọng thế.

Xin trân trọng cảm ơn thầy.

Lê Sơn/Báo Tin tức (ghi)
Lùi thời điểm thực hiện chương trình sách giáo khoa mới 2 năm
Lùi thời điểm thực hiện chương trình sách giáo khoa mới 2 năm

Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Luật Thủy sản và Nghị quyết về lùi thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN