Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề lớn của giáo dục Đại học trong năm 2019.
Năm 2019 sẽ xây dựng Đề án thành lập một số trường sư phạm trọng điểm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho biết: Năm 2018 khép lại với nhiều kết quả giáo dục đáng khích lệ, nổi bật ở lĩnh vực giáo dục đại học và đào tạo giáo viên.
Một số nét nổi bật có thể kể đến như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 với nhiều điểm mới nhằm thúc đẩy giáo dục đại học phát triển; lần đầu tiên, 2 trường đại học của Việt Nam lot top 1.000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng QS; có 7 trường đại học của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng 505 đại học tốt nhất Châu Á năm 2019 (QS Asia 2019).
Công tác kiểm định chất lượng đã đạt được kết quả khả quan, nhất là đối với kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học. Đến nay, cả nước đã có 117 cơ sở được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục, chiếm hơn 50% tổng số cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Công tác đảm bảo chất lượng và văn hóa chất luợng đã được các trường chú trọng xây dựng.
Quản trị đại học tiếp tục được nâng cao, đã có 24 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77; 3 trường chuẩn bị được phê duyệt cơ chế thí điểm không còn Bộ chủ quản, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình tự chủ đại học. Công tác tuyển sinh ổn định, thuận lợi.
Quá trình tuyển sinh đảm bảo quyền tự chủ của các trường theo đúng quy định của pháp luật. Các trường đã minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh, cung cấp thông tin cần thiết cho thí sinh và minh bạch kết quả tuyển sinh.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm 2019, Thứ trưởng Lê Hải An nhấn mạnh: Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng 2 đề án xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm, thành lập một số trường sư phạm trọng điểm và Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, trong năm 2019, Bộ sẽ chỉ đạo xây dựng Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trình Thủ tướng trong năm 2020.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, Bộ sẽ xây dựng Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định cơ chế tự chủ - cởi trói cho các trường để có thể thực hiện tự chủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tăng cường công tác hậu kiểm; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm; kiên quyết dừng tuyển sinh những cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định…
Cần có thông tin dự báo sớm về thị trường lao động
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về 8 vấn đề lớn cần đẩy mạnh thực hiện trong năm 2019, đó là: Sớm kiện toàn Hội đồng trường để chuẩn bị các điều kiện về tự chủ đại học; nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện trách nhiệm giải trình thông qua cung cấp các thông tin thống kê cho cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường công tác đảm bảo đầu ra cho sinh viên; chú trọng công tác giáo dục chính chị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa ứng xử của sinh viên, thầy cô giáo trong nhà trường; tăng cường hội nhập quốc tế và đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông cho giáo dục đại học.
Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Các trường cần khẳng định được vai trò của Hội đồng trường, tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tự chủ. Bên cạnh đó, các trường đại học công lập tự chủ chi thường xuyên cần cân nhắc vấn đề tăng học phí, đảm bảo mức học phí để người học chấp nhận được và đảm bảo sự cạnh tranh.
Liên quan đến công tác tuyển sinh, đại diện nhiều trường đại học kiến nghị cần cơ cấu lại chỉ tiêu tuyển sinh theo vùng và có thông tin dự báo sớm về thị trường lao động để các trường có căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Bên cạnh đó, theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hiện nay, các ngành nghề đào tạo liên tục có sự biến động, Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc các điều kiện về mở ngành đào tạo mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường mở các ngành phù hợp với xu thế thời đại, thu hút được người học.
Về tuyển sinh ngành sư phạm, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Sự thay đổi phương thức tuyển sinh ngành sư phạm trong năm 2018 với việc đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và một số tiêu chí xét tuyển thu hút học sinh khá, giỏi đã nhận được sự đồng tình của xã hội.
Tuy nhiên, để thực sự thu hút được sinh viên giỏi vào học, thì cần có một số chính sách như: cam kết đầu ra có việc làm; chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên; chính sách học bổng cho sinh viên ngành sư phạm… Bên cạnh đó, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm phải cân nhắc giữa sự tồn tại của các trường và lợi ích quốc gia, từ đó bảo đảm sự cân bằng và có lộ trình triển khai phù hợp.
Đại diện khối ngành sư phạm nghệ thuật, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Đào Đăng Phượng chia sẻ: Với việc xét tuyển sinh viên ngành sư phạm nghệ thuật, theo quy định học lực phải loại Khá đang là vấn đề khó khăn đối với lĩnh vực này.
Vì những học sinh có điểm môn văn hóa thuộc loại Khá trở lên thường lại không đạt môn năng khiếu. Trong khi đó, các trường nghệ thuật chủ yếu đánh giá cao môn năng khiếu, điểm môn văn hóa chỉ cần từ 5 điểm trở lên là đạt yêu cầu.
Vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá trong các cơ sở giáo dục đại học cũng được các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh. Theo đó, cần thay đổi cách dạy truyền thống và cách học để thi. Sinh viên nên được học trải nghiệm, vừa học vừa làm để theo kịp xu thế của thời đại.