Bài 1: Nỗi lo bạo hành trẻ mầm non ở các khu công nghiệp
Thực trạng đáng báo độngBạo lực với trẻ mầm non xuất hiện nhiều nhất tại các lớp trẻ tư thục, nhóm trẻ trong các khu dân cư. Điều này thể hiện rõ tính phức tạp của việc tổ chức, phân luồng, đào tạo chứ không phải chỉ có kiểm tra, giám sát.
Quá tải ở các trường mầm non công lập những năm gần đây đã trở thành vấn đề “nóng” hơn bao giờ hết. Năm học 2017-2018, nhiều địa phương lo lắng trước áp lực tuyển sinh ở bậc học này.
Những vụ bạo hành trẻ mầm non liên tiếp được phát hiện thời gian gần đây. Ảnh cắt từ clip. |
Tỉnh Bắc Ninh, địa phương có khu công nghiệp lớn nhất ở miền Bắc hiện có khoảng 281.000 công nhân đang làm việc tại các KCN, chủ yếu trong số đó là người ngoại tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, tính từ đầu năm đến nay, số trẻ từ nơi khác đến Bắc Ninh tính đến đầu năm học là 3.376 trẻ. Việc quá tải số học sinh khiến nhiều trường buộc phải thực hiện ưu tiên lớp 5 tuổi để đảm bảo phổ cập giáo dục mầm non.
Hiện một số trường ở thành phố Bắc Ninh số trẻ đã tăng lên tới 70 trẻ/lớp. Trong không gian chật hẹp, hơn 70 học sinh/lớp, nhà trường bố trí 3 cô giáo nuôi dạy các cháu nhưng với số lượng học sinh đông, cả cô và trò phải rất vất vả. Thiếu lớp, sĩ số đông là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh trong phường chọn giải pháp cho con đi học tại các trường tư thục.
Ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng BQL các KCN Bắc Ninh cho biết, mỗi KCN đều quy hoạch 30-40ha làm khu thương mại dịch vụ nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có KCN nào triển khai xây dựng trường mầm non. Lý do là các KCN giao cho doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ, nhưng xây dựng nhà trẻ nguồn thu chậm so với kinh doanh KCN nên các nhà đầu tư triển khai rất chậm.
Cách đây 3 năm, Thủ tướng đã phê duyệt đề án Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở các KCN, khu chế xuất đến năm 2020. Mục tiêu là năm 2020, 70% nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ, được quản lý và đảm bảo chất lượng. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở Minh Đức, Đồ Sơn (Hải Phòng) nơi tập trung nhiều cụm công nghiệp, có số lao động ngoại tỉnh đông. Công nhân thường là từ Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa và đa số họ vẫn chỉ thuê nhà trọ, không có hộ khẩu hay tạm trú nên cơ hội để gửi con vào trường công lập là rất khó. Nhiều gia đình chọn cách gửi con về quê cho ông bà hoặc phải “xẻ làm đôi” khi chồng cho con lớn về quê đi học, vợ phải ở lại khu công nghiệp làm việc đi gửi con nhỏ tuổi mầm non.
Vấn đề học phí cũng là bài toán khó với những công nhân làm việc ở những khu công nghiệp. Họ không kham nổi chi phí gửi trẻ ở các trường tư lớn. Do vậy, các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ gần nhà, nhận trông trẻ cả ngày lẫn đêm là giải pháp phù hợp để công nhân gửi con với mức phí gửi trẻ vào khoảng 1,2 - 1,5 triệu/tháng. Bên cạnh đó, nếu gửi con ở các cơ sở công lập thì công nhân không được nghỉ thứ Bảy để ở nhà với con. Công việc của công nhân thường tăng ca đến hơn 6 giờ hoặc muộn hơn mới về, trong khi các trường công chỉ giữ trẻ vào giờ hành chính.
Hải Phòng đã thí điểm mô hình nhà trẻ, mẫu giáo tại một số doanh nghiệp như: Nhà máy giầy Liên Dinh - thuộc Công ty TNHH Đỉnh Vàng có bố trí 3 phòng tại khu KTX Kim Đỉnh nhận con của công nhân lao động từ 1,5 tuổi - 5 tuổi với điều kiện công nhân lao động đã làm việc tại công ty từ 3 năm trở lên; Công ty TNHH Sao Vàng đầu tư cơ sở vật chất cho trường mầm non do địa phương quản lý và khuyến khích công nhân gửi con tại đây. Bên cạnh đó, cũng có một số công ty dự kiến xây nhà trẻ cho công nhân lao động hoặc hỗ trợ tiền cho những công nhân lao động có con trong độ tuổi gửi trẻ.
Cần phải nói thêm là tại Hải Phòng, chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã giúp địa phương thực hiện tốt cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục mầm non khu công nghiệp nhưng vẫn còn đó những khó khăn, tồn tại. Công nhân, dân nhập cư đang rất cần những nơi giữ trẻ chi phí vừa phải, phù hợp với mức lương của họ. Chỉ có các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ là đáp ứng được nhu cầu của đối tượng phụ huynh này.
Hệ lụyTheo các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, bạo hành sẽ tác động lớn đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ, để lại hậu quả khôn lường, di chứng kéo dài, ảnh hưởng đến các hành vi, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách của trẻ em sau này.
Theo bác sĩ Hoàng Du (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tổn thương cơ thể từ việc bạo hành sẽ gây hậu quả nặng nề cho sự phát triển sinh lý của trẻ. Tùy vào khả năng bật dậy của mỗi người sau mỗi cú sang chấn tâm lý. Do đó, mỗi một tính cách sẽ có khả năng vượt qua sang chấn khác nhau. Có em sau khi bị bạo hành sẽ thu mình lại, tự cho mình là xấu xa và rơi vào “tự kỉ”, nhưng có em lại bung ra, phá phách...
Giảng viên, thạc sĩ Nguyễn Cường (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng, trẻ bị bạo hành sẽ ngại giao tiếp và khó thiết lập quan hệ với người lớn, nhất là giáo viên trong trường học.
Theo thầy Cường, trẻ bị bạo hành sẽ có cách nhìn và suy nghĩ không tốt về giáo viên. Trẻ có cảm giác sợ hãi khi đến lớp học, từ đó xuất hiện những dấu hiệu trầm cảm, lo âu, sợ sệt. Những hành động bạo hành của các cô giáo, bảo mẫu có thể gây phản ứng chống đối hoặc phòng vệ ở trẻ, khiến trẻ phát triển tính chống đối, ngang bướng, lầm lì, ít nói, mất tự tin. Thậm chí là trẻ có thể bắt chước những hành vi bạo lực từ các cô, rồi từ đó, phát triển tính bạo lực sau này.
Thầy giáo già Nguyễn Trà (85 tuổi), người hơn 40 năm đứng trên bục giảng, 26 năm sau khi về hưu gắn bó với các cô cậu học sinh cho rằng, có nhiều phương pháp để giảm bạo lực học đường, quan trọng chính bản thân giáo viên phải tự ý thức coi trọng nghề nghiệp. Nhiều nơi giám sát bằng cách lắp camera. Nhưng đây chỉ là điều kiện cần để trẻ giảm bớt nguy cơ bị bạo hành mà thôi. Điều quan trong nhất chính là ở khâu quản lý của các trường, các giáo viên phải là những người có tâm với nghề thì mới hạn chế được bạo hành trẻ.
Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, vấn đề phải nâng cao được dân trí và quan trọng là nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp rất quan trọng. Do đó, trong các trường sư phạm cần đào tạo đạo đức của các em cho thật tốt thì dù ở đâu, không cần ai quan sát hoặc kiểm soát, không cần camera, các em vẫn chú tâm vào nghề nghiệp - thầy Trà phân tích.
Thầy cũng khuyên các bạn yêu trẻ thì tiếp tục, còn dạy để kiếm tiền thì nên tìm nghề khác. Nghề dạy trẻ lương rất eo hẹp, nhưng rất áp lực.
Theo số liệu tổng kết năm học 2016-2017, toàn quốc có 2.402 trường mầm non dân lập và tư thục, chiếm 16% tổng số trường mầm non toàn quốc, tăng 1.044 trường so với năm học 2010-2011. Những thành phố có tỷ lệ trường ngoài công lập cao như Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh.
Hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc đẩy mạnh các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất và phát triển giáo dục Mầm non ngoài công lập, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư xây dựng trường mầm non ở những địa bàn là điểm nóng về nhu cầu gửi trẻ như các khu công nghiệp, khu chế xuất... |
Bài 2: Xây dựng cơ sở mầm non với phát triển KCN