Hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi, bám biển - Bài cuối

Để tiếp tục khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, điểm d, khoản 1, Điều 4 của Nghị định 67 được sửa đổi, bổ sung nội dung “Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới”.

GỠ KHÓ CHO TÀU CÁ VƯƠN KHƠI, BÁM BIỂN

Ngày 7/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP (NĐ 89) để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, nhằm tháo gỡ cho nhiều chính sách về đóng mới, nâng cấp tàu cá còn bất cập.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), Nghị định 89 tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai NĐ 67 cho thấy sự quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống, khẳng định chủ quyền biển đảo.

Tỉnh Nghệ An xác định ưu tiên các dự án cải tạo và nâng cấp các cửa lạch, cảng, để tàu công suất lớn ra vào thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, Tổng Cục Thủy sản khẳng định, NĐ 89 có nhiều quy định mới thông thoáng hơn so với NĐ 67 như các quy định về sử dụng máy tàu mới, máy cũ, thời hạn cho vay vốn, mở rộng thêm các đối tượng được tham gia đóng tàu...

Nghị định giải quyết tâm lý e ngại của các chủ tàu về việc phải tự lập bản thiết kế và chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng chưa chắc nhận được nguồn vốn vay từ phía ngân hàng. Theo đó, NĐ 89 đã sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 7 của Nghị định 67 theo hướng hỗ trợ 100% chi phí thiết kế mẫu tàu vỏ thép, vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới cho tàu khai thác và dịch vụ hậu cần xa bờ có công suất từ 400 CV trở lên.

Để tiếp tục khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, điểm d, khoản 1, Điều 4 của Nghị định 67 được sửa đổi, bổ sung nội dung “Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới”. Đồng thời Nghị định 89 cũng nêu rõ, quy định này được áp dụng cả với những hợp đồng vay vốn đã ký kết trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.

Theo bà con ngư dân, hiện phần lớn các tàu thuyền đều sử dụng máy cũ, trong khi Nghị định 67 lại không cho phép sử dụng máy cũ, qua đó làm tăng chi phí. Khắc phục bất cập này, Nghị định mới cũng đã cho phép sử dụng máy cũ khi đóng mới và nâng cấp tàu cá. Chính phủ cũng đã giao Bộ NN&PTNT quy định về yêu cầu kỹ thuật và kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với máy thủy đã qua sử dụng; giao Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có máy thủy đã qua sử dụng.

Một điểm quan trọng nữa là Chính phủ giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn, lựa chọn địa phương thiết kế mẫu tàu khai thác và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên phù hợp với hoạt động và đặc trưng ngư trường, vùng miền; tổng hợp công bố thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện thiết kế theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Đổi mới phương án hỗ trợ

Các chủ tàu được tham gia NĐ 67 cho rằng, thủ tục xét duyệt hồ sơ mẫu tàu và thủ tục tiếp cận vốn vay của ngân hàng rất kéo dài. Nếu người dân tự bỏ tiền để đóng tàu mới thì chỉ mất khoảng 3 tháng, hoặc mua lại tàu cũ thì nhanh hơn nhiều. Trong khi đó, sau hơn 1 năm triển khai NĐ 67, trong số 821 chủ tàu đăng ký vay vốn chỉ có tàu đã được hạ thủy. Vì vậy, các chủ tàu rất mong muốn Nhà nước có phương án hỗ trợ vốn một lần để người dân tự quyết định đóng tàu loại nào, đóng ở đâu, mua ngư lưới cụ gì để đảm bảo cho công việc khai thác xa bờ được nhanh chóng và hiệu quả hơn.

“Chính sách NĐ 67 và NĐ 89 bổ sung mới đây khá đồng bộ, tuy nhiên Chính phủ cần có quy hoạch, định hướng cụ thể, mang tính lâu dài, để ngư dân yên tâm đầu tư con tàu, vươn khơi bám biển. Cụ thể là Nhà nước phải quan tâm đến việc phát triển các cơ sở đóng tàu, đặc biệt là cơ sở đóng vỏ thép và vật liệu mới, bảo đảm cho ngư dân đóng và sửa chữa sau này; đồng thời hạ tầng luồng lạch và bến cảng cũng phải được đầu tư phục vụ tốt nhất, để tàu thuyền ra vào được an toàn”. Ông Hoàng Đình Yên, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam

Nghị định 89 mới được ban hành, đã sửa đổi một số hạn chế của Nghị định 67, trong đó có các quy định như thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản cho biết, phương án hỗ trợ một lần đã được Chính phủ đánh giá, đưa ra bàn tại Hội nghị trực tuyến do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì vừa qua. Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng các văn bản để triển khai thí điểm. Theo chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư, Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu số tiền tính theo lãi suất vốn vay, còn lại ngư dân sẽ tự tìm nguồn vốn để đóng tàu.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT của nhiều tỉnh, thành, để tháo gỡ về việc thẩm định các điều kiện vay vốn, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về trình tự, thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại cho vay nhằm giúp chủ tàu dễ tìm hiểu, đồng thời xem xét điều chỉnh thủ tục vay vốn lưu động theo hướng nhanh, gọn, đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyến biển của chủ tàu.

Bài và ảnh: Việt Hoàng - Anh Đức - Hữu Vinh
Tàu cá “mắc cạn”  vì quy định
Tàu cá “mắc cạn” vì quy định

Nghị định (NĐ) 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành nhằm phát triển nghề đánh bắt hải sản, hỗ trợ lãi suất để ngư dân có điều kiện đóng tàu vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, số lượng tàu thuyền được đóng mới và sửa chữa vẫn còn khá khiêm tốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN