Ông bà lại có đức tính cần cù, hiền hòa, hết lòng giúp đỡ bà con chòm xóm, nuôi dạy con cháu hiếu thảo, nên được bà con xứ đảo tin yêu, quý mến…
Năm 1993, ông bà Lê Trường Giang, Nguyễn Thị Dung từ vùng quê huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, cùng cha mẹ, anh chị với 4 người con lên tàu ra lập nghiệp trên quần đảo Thổ Chu, hồi ấy chưa có xã đảo Thổ Châu. Chuyến tàu năm ấy có 20 hộ gia đình, trong đó gia đình ông bà có 3 hộ với nhiều thế hệ. Ngày đó, trên đảo chỉ có mấy chục người, sống trong các căn nhà tạm với mái tranh, cây rừng.
Cuộc sống muôn vàn khó khăn, nhưng bà con rất đoàn kết, chí thú làm ăn. Cha của ông Giang là ông Lê Trắc (bà con thường gọi là ông Tư Lùn) hồi ấy đã ngoài 60, nhưng được Đảng bộ huyện Phú Quốc động viên đứng ra làm Bí thư chi bộ lâm thời đầu tiên, với 4 đảng viên. Bà con sống quây quần cùng bộ đội chung tay xây dựng, bảo vệ đảo. Đến cuối năm 1994, xã Thổ Châu được thành lập và có thêm nhiều chuyến tàu, mang theo nhiều hộ gia đình ra đây lập nghiệp…
Ông Giang cho biết, hồi mới ra đảo, gia đình ông phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, con gái lớn 16 tuổi, con trai út 7 tuổi của ông bị gián đoạn việc học. Gia đình đã động viên các con theo học bổ túc ban đêm do bộ đội dạy, đến khi điều kiện đi lại với đất liền thuận lợi hơn, vợ chồng ông cho các con vào đất liền học tiếp. Ông Giang, trải lòng: “Thật lòng mà nói, hồi đó khổ cực còn sống được, bây giờ Nhà nước quan tâm, điều kiện đi lại không còn cách trở như trước, vợ chồng tôi chỉ mong các con học hành đàng hoàng, rồi quay ra công tác tại xã đảo, chứ không muốn con mình rời bỏ quần đảo này”.
Đúng như những gì vợ chồng ông mong muốn. Vâng lời cha mẹ, các con ông bà sau khi vào đất liền học tập đều quay về với Thổ Châu, hầu hết đang tham gia công tác tại xã đảo. Ông thường tự hào khoe với mọi người, nhà ông giờ có số đảng viên đông hơn chi bộ lâm thời mà ba ông làm Bí thư năm 1993. Bây giờ đã ngoài 60 tuổi, nhưng hai vợ chồng ông vẫn không nghỉ ngơi mà còn nhiệt tình hơn trong công tác xã hội.
Hiện ông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, bà tham gia tổ phụ nữ ấp Bãi Ngư. Gần 25 năm sống trên xã đảo Thổ Châu, trải qua nhiều cương vị công tác, vợ chồng ông Giang, bà Dung đã làm được nhiều việc góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội tại địa phương.
Nhận xét về gia đình ông Lê Trường Giang và bà Nguyễn Thị Dung, Trung tá Mai Văn Cảnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thổ Châu cho biết, đây là hình mẫu của một gia đình nền nếp, gương mẫu chấp hành các quy định của Nhà nước và địa phương. Ông bà luôn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái; tích cực trong các phong trào ở địa phương, sẵn sàng giúp tài sản, nhân lực cho các đơn vị bộ đội nói chung, cùng Bộ đội Biên phòng nói riêng tham gia cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.