Hòa chung niềm vui cùng cả nước kỷ niệm năm Đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 - 30/4/2013), cư dân quần đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) càng tự hào, phấn khởi hơn khi vùng đảo thân yêu của mình đang bừng lên sức sống mới. Sau 20 năm thành lập (1993 - 2013), Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã đảo Thổ Châu đã đưa quần đảo Thổ Chu từ hoang sơ nay phát triển mạnh về kinh tế, an ninh quốc phòng vững chắc, trên đà trở thành một đô thị biển năng động. Vượt lên đau thương mất mát Trong xây dựng và phát triển biển - đảo quê hương, cư dân xã Thổ Châu (Phú Quốc) khó có thể nào quên “ngày đẫm máu 10/5/1975”, bọn diệt chủng Pol Pot, Ieng Sary bội ước đưa quân Khmer đỏ chiếm đảo Thổ Chu, thảm sát dã man 500 người dân của 60 hộ gia đình đang sinh sống nơi này, xóa tên xã đảo chỉ sau 10 ngày đất nước hòa bình, thống nhất.
Một góc đảo Thổ Châu. Ảnh: tienphong.vn |
Một trong những nhân chứng lịch sử may mắn còn sống sót sau vụ thảm sát đó, cụ Nguyễn Văn Sỹ, 79 tuổi ở xã đảo Nam Du (Kiên Hải) bồi hồi nhớ lại: Hôm bọn chúng đưa tàu đến, ông thuyền trưởng cho biết là bị chúng nó bắt lái tàu ra đảo, lùa dân trên đảo xuống tàu chở đi giết hại. Riêng tôi, nó cho ở trên một chiếc ghe rồi buộc dây kéo đi. Đến sáng, phát hiện dây kéo bị đứt, ghe trôi dạt, bồng bềnh trên sóng biển và tôi nhìn thấy đảo Phú Quốc mới biết là mình thoát chết.
Từ Côn Đảo xa xôi ra xã đảo Thổ Châu để thắp nén hương cho những người thân bị Khmer đỏ thảm sát, bà Đỗ Thị Kim Nghĩa (64 tuổi) cho biết: Cha mẹ tôi, 5 người em trai, 2 vợ chồng đứa em gái và 2 cháu, trong đó có 1 đứa đang trong bụng mẹ đều bị giết hại trong vụ thảm sát dã man này. Lúc đó, tôi có chồng sinh sống ở Côn Đảo. Nghe tin gia đình mình bị sát hại không còn một ai, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, điều kiện đi lại trắc trở nên mãi đến bây giờ, gần 40 năm trôi qua, tôi mới trở về đây khóc người thân, thắp nén hương tiễn biệt cha mẹ, anh em mà lòng đau xé ruột, xé gan.
Ngày 24/5/1975, các lực lượng vũ trang của ta đánh chiếm lại đảo, tiêu diệt toàn bộ quân địch, quần đảo Thổ Chu được giải phóng. Quân và dân trên đảo chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt lên nỗi đau, mất mát, biến đau thương thành hành động cách mạng, xây dựng biển - đảo quê hương, với muôn ngàn khó khăn, gian khổ. Năm 1992, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra Quyết định số 96 thành lập Ban chỉ đạo lâm thời xã mới Thổ Chu, thực hiện chương trình đưa dân ra sinh sống, xây dựng phát triển đảo. Năm 1993, xã đảo Thổ Châu chính thức thành lập theo Nghị định số 19/1993/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Cuối năm 2011, UBND huyện Phú Quốc xây dựng Đền tưởng niệm các liệt sĩ và 500 người dân xã đảo Thổ Châu bị Khmer đỏ thảm sát ngày 10/5/1975 trên đảo Thổ Chu, với vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng do huyện và nhân dân xã đảo, các doanh nghiệp đóng góp. Đồng chí Văn Hà Phong, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc cho biết: Đền tưởng niệm được xây dựng nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân xã đảo có nơi hương khói, thờ cúng những người đã mất, để nhớ lại một thời gian khó, nhiều thế hệ cư dân bám biển, bám đảo, đổ máu và nước mắt giữ gìn từng tấc đất biển - đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đối phó với kẻ thù, giữ vững vùng biển - đảo quê hương. Ngôi đền trở thành nơi lưu giữ chứng tích tội ác dã man của bọn phản động Khmer đỏ thảm sát đồng bào trên đảo, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng tốt đẹp, lòng yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Biến đau thương thành hành động cách mạng Tròn 20 năm chung sức, chung lòng xây dựng phát triển biển - đảo quê hương nơi “đầu sóng, ngọn gió”, Thổ Châu hôm nay đang bừng lên sức sống mới, hé mở một đô thị biển sung túc, năng động nơi vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập xã Thổ Châu mới đây, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang biểu dương Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Thổ Châu đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những kết quả quan trọng bước đầu, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của xã trong những năm tiếp theo. Xã Thổ Châu cần nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, tranh thủ tốt thời cơ thuận lợi, tăng cường khối đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh quá trình xây dựng và phát triển xã Thổ Châu ngày càng lớn mạnh. Dù là xã đảo biên giới xa đất liền nhất, khó khăn nhất của tỉnh Kiên Giang, nhưng Thổ Châu đang ngày một gần hơn với đất liền, quân và dân trên đảo vững vàng trước “đầu sóng, ngọn gió”, bám biển, bám đảo, bám trời giữ gìn từng tấc đất biển - đảo thân yêu của Tổ quốc.
Đảng ủy, chính quyền, nhân dân Thổ Châu và các lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trên đảo luôn giữ vững trận địa, vừa tập trung phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, vừa xây dựng lực lượng chính quy ngày càng lớn mạnh, đoàn kết, gắn bó với nhau, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển - đảo phía Tây Nam Tổ quốc. Từ 94 người khi mới thành lập, nay dân số của xã tăng lên hơn 2.000 người; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 - 12%/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng như cầu cảng, trường học, trạm y tế, trạm phát điện… được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân xứ đảo và ngày càng cải thiện đáng kể. Công trình đường cơ động đảo Thổ Chu với tổng vốn đầu tư hơn 102 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến hơn 5,2 km, mặt đường 3,5 m đã cơ bản hoàn thành, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biên giới hải đảo phía Tây Nam đất nước. Cảng cá Thổ Chu là điểm tiếp nhận hàng hóa từ đất liền chuyển ra đảo, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm thủy sản, tiếp nhiên liệu của tàu cá trong và ngoài tỉnh Kiên Giang, tạo sức bật cho dịch vụ hậu cần nghề cá, thương mại phát triển. Mũi nhọn kinh tế thủy sản không ngừng phát triển, với 2 lĩnh vực ngành nghề chính là khai thác đánh và nuôi cá lồng bè trên biển, sản lượng thu về hàng chục ngàn tấn tôm, cá, mực mỗi năm. Năm 2012, xã Thổ Châu xuất khẩu hơn 2.000 tấn mực và 4.000 tấn cá có giá trị kinh tế cao, thu về gần 17 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảo Thổ Chu có nhiều tiến bộ vượt bậc. Trạm Y tế Thổ Châu đạt chuẩn quốc gia được đầu tư xây dựng 9,5 tỷ đồng, trang thiết bị y tế đầy đủ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Giáo dục - đào tạo, với trường lớp xây dựng xanh - sạch - đẹp, đội ngũ thầy cô giáo tâm huyết với nghề, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường hàng năm đạt trên 98%. Hoạt động văn hóa - văn nghệ và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì và phát triển. Xã có trên 85% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 3,7%; hộ dân sử dụng điện thắp sáng 14 giờ/ngày và sử dụng nước sạch đạt 100%; nhà kiên cố và bán kiên cố chiếm 60%; mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt.
Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu Nguyễn Trường Vũ cho biết: Từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và đề án chọn xã Thổ Châu làm “Đảo Thanh niên” của Trung ương Đoàn, xã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong, ngoài tỉnh. Cuộc sống của cư dân cải thiện đáng kể, vươn lên. Thổ Châu đang hướng đến một đô thị biển năng động, mạnh về kinh tế, vững chắc về an ninh quốc phòng. Xã tiếp tục tranh thủ, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng và biển - đảo, tập trung phát triển mũi nhọn kinh tế thủy sản, gắn khai thác đánh bắt, nuôi trồng với chế biến xuất khẩu, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, thành lập các tổ, đội đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển - đảo; tranh thủ mọi nguồn lực và đóng góp của nhân dân tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm… phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân trên đảo.
Lê Huy Hải