Theo đó, các điểm sáng của thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua như sau:
1. Giao dịch mua bán, cho thuê BĐS, nhất là giao dịch nhà ở tiếp tục tăng trưởng ổn định, không có hiện tượng tăng hay giảm đột biến ở trong các tháng của năm. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), mỗi tháng có khoảng 1.300-1.500 giao dịch nhà ở thành công ở mỗi thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh (chỉ tính riêng những giao dịch lần đầu ở các dự án mở bán mới).
Thị trường BĐS thời gian qua ghi nhận nhiều điểm sáng, trong đó đặc biệt phải kể đến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Trong ảnh: Quần thể FLC Quy Nhơn. |
2. Mặt bằng giá BĐS tương đối ổn định.
3. Tồn kho BĐS giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 1/2016 còn khoảng hơn 31.000 tỷ đồng, so với tháng 12/2015 giảm hơn 37%.
4. Đầu tư nước ngoài vào BĐS vẫn tăng trưởng tốt, chiếm khoảng 10% tổng vốn FDI.
5. Tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng.
6. Cơ cấu hàng hóa BĐS được điều chỉnh hợp lý hơn, ra đời nhiều loại hàng hóa BĐS hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của khách hàng.
7. Thị trường BĐS nghỉ dưỡng có bước phát triển đột phá. Hàng loạt dự án nghỉ dưỡng dọc ven biển miền Trung ra mắt trong năm 2016 đã biến năm này trở thành năm của BĐS nghỉ dưỡng.
8. Số doanh nghiệp BĐS thành lập mới hoặc quay trở lại thị trường tăng mạnh. Theo Cục Quản lý đăng kí kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2016 có hơn 3.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng kí lên đến hơn 200.000 tỷ đồng (tăng hơn 80% về số lượng và hơn 230% về số vốn đăng kí).
Theo ông Nguyễn Trần Nam, ngay từ đầu quý 1/2017, thị trường nhà giá rẻ và condotel đã sôi động. Lượng vốn FDI đổ vào BĐS tăng mạnh. Những chính sách vĩ mô hiệu quả của Chính phủ đã thúc đẩy thị trường phát triển. Tuy nhiên, thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, cần được theo dõi, điều chỉnh để thị trường phát triển bền vững.
1. Cơ cấu hàng hóa BĐS vẫn mất cân đối. Nhu cầu về nhà giá rẻ rất cao nhưng đáp ứng không được bao nhiêu. Trên thị trường chủ yếu là các dự án trung và cao cấp. Người dân khó kiếm các dự án có giá dưới 20 triệu đồng/m2.
2. Tình trạng phát triển ồ ạt các dự án mà không căn cứ vào kế hoạch, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, dẫn đến quá tải về hạ tầng.
3. Việc phát triển nhà ở xã hội bị chững lại do nguồn vốn hỗ trợ cũng như các chính sách liên quan chưa được giải tỏa hoặc đáp ứng phù hợp.
4. Hệ thống thông tin, dữ liệu thị trường BĐS vẫn chưa được cải thiện, các dự báo về thị trường thiếu và không sát với thực tế.
"Đây là những nguyên nhân chính gây ra sự khủng hoảng của thị trường BĐS giai đoạn 2009-2013 mà chúng ta đã rút ra và có những điều chỉnh nhưng những điều chỉnh đó không được tiếp tục duy trì nên rủi ro vẫn còn", ông Nam nhận định.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đã chỉ đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam cần theo sát các chính sách của nhà nước để đánh giá tác động của chính sách đến thị trường BĐS cũng như hoạt động của doan nghiệp. Từ đó có những kiến nghị để tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Hiệp hội BĐS Việt Nam được nhận cờ thi đua của Chính phủ. |
Trong năm 2017, Hiệp hội sẽ đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét và thúc đẩy việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội; đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá thấp dưới 15 triệu đồng/m2; các chính sách về tín dụng tạo nguồn vốn cho thị trường BĐS...
Hội nghị thường niên gặp mặt hội viên Hiệp hội BĐS Việt Nam năm nay được tổ chức tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn (Bình Định) với khoảng 500 hội viên là đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia BĐS và các doanh nghiệp trên cả nước. Hội nghị là dịp để các hội viên gặp gỡ các cán bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BĐS, các chuyên gia đầu ngành, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, kết nối với nhau để trao đổi kinh nghiệm trong việc đầu tư kinh doanh BĐS...
Hội nghị gặp mặt hội viên năm 2017 là cuộc gặp mặt đầu tiên sau Đại hội Hiệp hội BĐS Việt Nam nhiệm kỳ IV. Ban chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ này quy tụ hầu hết các doanh nghiệp lớn, các chuyên gia BĐS hàng đầu trên cả nước cũng như đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương liên quan đến lĩnh vực BĐS.