Đây cũng là nhận định chung của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Hiệp hội BĐS Việt Nam và các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Toàn cảnh thị trường BĐS và Tài chính Việt Nam 2019 tại Hà Nội ngày 4/5.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, những biện pháp siết chặt của cơ quan quản lý và các địa phương với thị trường BĐS từ đầu năm đến nay đã và đang góp phần tạo động lực giúp các nhà đầu tư chủ động hơn trong bài toán tài chính, giúp doanh nghiệp cơ cấu lại các sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu của thị trường, loại bỏ các chủ đầu tư làm ăn chụp giật. Đặc biệt, sau Chỉ thị 11/CT-TTg, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, bền vững.
"Điều này sẽ chỉ có lợi cho thị trường, cho các doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp sẽ phải hiểu rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giúp thị trường bền vững. Những doanh nghiệp làm ăn không có chiến lược bài bản sẽ buộc phải dừng cuộc chơi. Trong khi đó, các nhà đầu tư và các sàn phân phối cũng phải hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn", ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Tại diễn đàn này, ba xu hướng thị trường BĐS đã được nhận diện. Về BĐS xanh theo các chuyên gia hiện có ít công trình được công nhận "xanh" tại Việt Nam. Số lượng công trình đạt chứng chỉ LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh) mới chiếm chưa đến 3%. Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao và mức độ chịu chi cho không gian sống an toàn, thoải mái và thông minh hơn của khách hàng, các nhà đầu tư chắc chắn phải định hướng bất động sản xanh trở thành xu thế phát triển chính của mình càng sớm càng tốt.
BĐS khu công nghiệp tiếp tục có tiềm năng phát triển nhờ sự dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam trong một vài năm trở lại đây của các nhà đầu tư ngoại. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực châu Á, có đường biên giới đất liền với Trung Quốc và nhiều cảng biển lớn được kết nối với các khu công nghiệp, đang trở thành tâm điểm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. BĐS khu công nghiệp đang được xem là cơ hội đầu tư khả thi cho các chủ đầu tư khu công nghiệp, đặc biệt ở khu vực phía bắc khi nhu cầu thuê từ các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, LG… đang tăng cao.
Mặc dù đã hạ nhiệt so với năm 2018, nhưng từ đầu năm đến nay, BĐS nghỉ dưỡng - du lịch vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Việt Nam đang có tốc độ đô thị hoá cao, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó là sự gia tăng số lượng lớn các công nhân, kỹ sư nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của BĐS nghỉ dưỡng - du lịch. Thị trường cũng ghi nhận sự phát triển của phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui chơi, thư giãn, mua sắm… chưa thực sự tương xứng với tiềm năng du lịch của Việt Nam. Do đó, đây sẽ là cơ hội để các chủ đầu tư tiếp tục phát triển các mô hình shophouse, condotel… theo hướng hiện đại và thân thiện hơn với khách hàng.
Một xu hướng nữa trong ngành BĐS chính là việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực môi giới. Với sự phát triển của công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI), các doanh nghiệp kỳ vọng việc marketing sản phẩm và tìm kiếm khách hàng tiềm năng sẽ được cải thiện hơn.
Cũng tại diễn đàn này, thị trường BĐS Việt Nam được các chuyên gia phân tích về việc tái cơ cấu các phân khúc và dòng vốn đổ vào thị trường. Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi, trong khi xu hướng đô thị xanh và các tiện ích công cộng tại các dự án BĐS vẫn được ưu tiên, thì các nhà đầu tư sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ vào phân khúc giá rẻ và tầm trung dành cho đối tượng khách hàng có nhu cầu thực. Tuy nhiên trên thực tế, loại căn hộ nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, nhất là loại căn hộ cho thuê giá rẻ phù hợp với khả năng tài chính của công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị lại đang thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Riêng phân khúc nhà ở xã hội trong năm 2018 chưa triển khai được nhiều, đang rất chậm do vướng mắc nguồn vốn chính sách.
Do đó, ngoài việc quan tâm đến phát triển các sản phẩm căn hộ cao cấp, các nhà đầu tư cần quan tâm tới phân khúc nhà ở vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền, bởi đây là phân khúc thị trường đang có nhu cầu lớn và là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao, bền vững. Cùng với phân khúc bình dân, phân khúc đất nền cũng sẽ là sản phẩm được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các khu vực quy hoạch đô thị mới, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, có giá cả phù hợp. Điều này không chỉ giúp cho thị trường được cân bằng hơn mà còn giảm tình trạng đầu cơ của nhà đầu tư thứ cấp.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường BĐS sẽ giảm phụ thuộc vốn tín dụng. Chỉ thị 04 của Ngân hàng Nhà nước (ngày 2/8/2018) chủ trương: "Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt); kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán, BOT, BT giao thông; kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến BĐS”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Như vậy, vốn tín dụng vào thị trường BĐS sẽ tiếp tục bị thu hẹp. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp BĐS tự chủ và cơ cấu lại nguồn vốn kinh doanh, phát triển thị trường BĐS minh bạch và bền vững.