Khảo sát của JLL cho thấy, tại miền Nam, thị trường đất công nghiệp không có nguồn cung mới được triển khai trong quý III, nguồn cung ở khu vực này tiếp tục duy trì ở mức 25.220 ha. Thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng tương đối ảm đạm với duy nhất một nguồn cung mới được tung ra, từ dự án được xây dựng từ quý I/2021. Tổng nguồn cung phân khúc nhà xưởng xây sẵn đạt khoảng 3,3 triệu m2.
Trong khi nguồn cung ngưng trệ thì thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam cũng không ghi nhận thêm giao dịch thuê mới đáng chú ý. Nguyên nhân được JLL đưa ra là do trong quý III, thị trường phía Nam đã phải hứng chịu những tác động to lớn do đại dịch gây ra. Tất cả các hoạt động giao thông bắt buộc phải tạm dừng khiến việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Các khu công nghiệp đang hoạt động cũng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất để phục vụ phòng chống dịch. Do vậy, thị trường không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý ở cả lĩnh vực đất công nghiệp và lẫn nhà xưởng xây sẵn.
Đà tăng của của giá đất cũng bị kim hãm do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn ổn định. Mặc dù nhiều lĩnh vực sản xuất và nhà đầu tư chưa thể triển khai các hoạt động mở rộng kinh doanh nhưng giá đất vẫn tiếp tục tăng và đạt mức 114 USD/m2/kỳ hạn thuê, tăng 0,75% so với quý II và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn giữ ổn định ở mức 4,5 USD/m2/tháng, tăng nhẹ 1,4% so với năm trước, như là một hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ dịch bệnh.
Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn tại khu vực phía Nam lần lượt duy trì ở mức 85% và 87%. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, thị trường sẽ sôi động trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Đánh giá tổng thể thị trường, các chuyên gia của JLL cho rằng, những biến động trong ngắn hạn sẽ ít ảnh hưởng đến tiềm năng của phân khúc này trong trung và dài hạn. Thống kê cho thấy, do tác động của dịch bệnh, trong quý III/2021, ngoài việc số lượng dự án FDI đăng ký mới ghi nhận xu hướng giảm, thị trường cũng xuất hiện việc một số doanh nghiệp sản xuất phải chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam để ứng phó với tình hình.
Tuy nhiên, theo JLL, việc dịch chuyển đơn hàng hiện chỉ mang tính tạm thời và chưa có doanh nghiệp FDI nào rời Việt Nam. Mặc dù giãn cách xã hội dài ngày đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài những Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ những lợi thế về nguồn nhân lực, các hiệp định thương mại tự do đa dạng và những cam kết của chính phủ trong việc phát triển hạ tầng.
Nếu đại dịch sớm được kiểm soát, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều cấp thiết nhất lúc này là các tỉnh khu vực phía Nam cần sớm mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới một cách đồng bộ, để khôi phục tiềm năng và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.
Cùng đó, các thủ tục mở cửa trở lại nên được hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp để chiến lược phục hồi được triển khai hiệu quả sau thời gian chống chọi với đại dịch.