Diễn đàn do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Kênh thông tin tài chính CafeF phối hợp tổ chức. Các đại biểu dự diễn đàn đều thống nhất, thị trường đang phục hồi bền vững, không chạy theo số lượng như trước đây.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, xu hướng phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới là sống trong các nhà chung cư. Đến năm 2020, việc đầu tư các chung cư là trọng tâm, là định hướng phát triển. Do đó chúng ta phải nhìn ra thế giới để biết được tiêu chuẩn sống của họ như thế nào.
Hiện nay tỷ lệ nhà ở chung cư tập trung chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội. Ở Hà Nội, nhu cầu rất lớn, rất đa dạng và phong phú, tập trung ở 4 quận nội thành và khu vực Mỹ Đình (Quận Nam và Bắc Từ Liêm).
Quý I/2016 tại Hà Nội đã có 10.000 căn hộ mở bán, tăng 13% so với quý IV/2015. Trong đó, phân khúc bình dân chiếm 45%; phân khúc trung cấp là 50%.
Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Cen Group cho rằng, hiện nay nhu cầu sống đã có sự thay đổi lớn, việc đầu tư bất động sản thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từng chu kỳ.
"Hiện nhóm nhu cầu nhà ở mà người tiêu dùng mong đợi gồm: Nhóm cần chỗ ở thì giá cả là yếu tố quyết định; nhóm có nhu cầu trung bình đặt ra yêu cầu về tiện ích và nhóm có nhu cầu cao cấp. Xu hướng gia tăng dịch vụ và tiện ích đang là vấn đề đặt ra" - ông Hưng nhấn mạnh.
Phân tích về các xu hướng phát triển hiện nay, KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: Đô thị ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những tiến bộ nhanh cùng với tiến bộ của khoa học công nghệ; đô thị theo hướng thông minh, đô thị xanh và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu đang là bước đi ưu tiên của các nước.
Tại TP.HCM và Hà Nội đã có nhiều dự án theo xu hướng của thời đại và tiếp tục bổ sung hoàn thiện trong tương lai, ví dụ: Time City, Ecopark, An Khánh, Gate Way, Phú Mỹ Hưng, các dự án của Keppeland...
Để thị trường BĐS có thể đi theo tiêu chuẩn sống mới, theo ông Chính, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm nghiên cứu bổ sung khung pháp lý về đất đai, nhà ở, các cơ chế có liên quan đến đầu tư BĐS, tạo cơ sở thông thoáng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Còn chủ đầu tư BĐS cần chủ động trong các hoạt động đầu tư; tiếp cận công nghệ xây dựng mới hiện đại, tiết kiệm năng lượng.