Nhiều lạc quanSố liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 9 tháng đầu năm 2015, tín dụng cho lĩnh vực BĐS tăng gần 15% so với cuối năm ngoái (cao hơn 2,5% so với mức tăng cùng kỳ năm 2014). Dự báo tín dụng đổ vào BĐS cả năm nay có thể đạt từ 18 - 20%, cao hơn mức trung bình từ 14 - 15% của giai đoạn 2012 - 2014.
Thị trường BĐS 2016 được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc. |
Theo GS Đặng Hùng Võ, chuyên gia BĐS, thị trường năm 2016 sẽ vẫn chuyển biến tích cực. Dấu hiệu tích cực của thị trường nhà ở thể hiện ở các điểm như tổng số tiền cho vay mua BĐS của các ngân hàng năm 2015 lên đến 342.000 tỷ đồng, trong đó phân khúc nhà ở chiếm đến 39%. Lượng tồn kho giảm mạnh trên từng phân khúc, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho rằng, chuyển biến của kinh tế thế giới và xu hướng hợp tác quốc tế có sẽ có những tác động tới thị trường BĐS Việt Nam, bao gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực, trong đó yếu tố tích cực vẫn chiếm ưu thế. “Nhìn chung, người dân và doanh nghiệp sẽ dùng tiền đầu tư vào BĐS vì đây là kênh đầu tư hấp dẫn hiện nay nếu như nắm bắt được cơ hội và có chiến lược kinh doanh phù hợp”, ông Lực cho biết.
Thực tế, thị trường BĐS trong nước đã manh nha dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2013 và kéo dài đến năm 2014, 2015. Đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy đà phục hồi sẽ bị chững lại trong năm 2016. Cùng với sự giảm giá mạnh của vàng, lãi suất ngân hàng giảm, nhiều người đã quay sang đầu tư BĐS.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), thị trường đã đi qua điểm “đáy”, thể hiện ở sự tăng trưởng về lượng giao dịch và giá. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, sự phát triển của BĐS diễn biến theo đồ thị hình sin, tức là có tính chu kỳ. Vòng quay của chu kỳ dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào sự phát triển bền vững của thị trường. Do đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ thị trường và có những chiến lược đầu tư, kinh doanh dài hạn, bài bản.
Một động thái khác cũng khiến các nhà đầu tư thêm lạc quan, đó là Việt Nam ngày càng thu hút nhiều loại hình nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Singapore. Hiện trong tổng số 10 doanh nghiệp lớn của Singapore đầu tư vào Việt Nam thì có 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực BĐS.
Cần thêm hỗ trợTheo GS Đặng Hùng Võ, để thị trường BĐS thực sự khởi sắc, vẫn cần có sự nỗ lực của cơ quan nhà nước để khắc phục các nhược điểm của thị trường. Cụ thể, cần đa dạng hóa sản phẩm BĐS trên thị trường; bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường BĐS; giảm lãi suất thêm nữa; xem xét, “cởi trói” cho các dự án BĐS thế chấp ở ngân hàng nước ngoài để vay vốn, vì các ngân hàng này có nguồn vốn trung hạn và dài hạn rất lớn, giá rẻ hơn các ngân hàng trong nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, hiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự kiến sẽ hoàn thiện trong tháng 12 này. Do vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng với sự thay đổi của chính sách nhằm tận dụng tối đa cơ chế mở cửa của Nhà nước.
Hiện nay, nguồn cung trên thị trường đang dồi dào nhưng chủ yếu là phân khúc căn hộ có mức giá trên 20 triệu đồng/m2, còn phân khúc dưới 20 triệu đồng/m2 thì vẫn khan hàng, cung không đủ cầu. Có thể thấy, phân khúc thấp và trung bình bao giờ cũng có sự chắc chắn và ít chịu tác động của khủng hoảng bởi đó là nhu cầu thực về nhà ở của người dân. Do vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đề nghị các chính sách tín dụng cần tập trung ưu đãi cho phân khúc nhà ở này.
Trên thực tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo định hướng cho vay của các tổ chức tín dụng, tập trung nguồn vốn đầu tư vào những dự án có hiệu quả cao, dự án nhà ở xã hội, những dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thật của người dân; không tiến hành cấp tín dụng đối với các nhu cầu vay vốn để đầu cơ hoặc xây dựng các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao. Định hướng này cần tiếp tục được duy trì trong năm 2016 để cân bằng cung - cầu trên thị trường.