Các chuyên gia cho rằng, bù tiền cho người dân tái định cư là một cơ chế tốt, tuy nhiên cần làm rõ cơ chế nào để tính giá đền bù thỏa đáng. Nếu không, người dân rất khó dùng tiền đền bù mua nhà thương mại ổn định cuộc sống.Tiền đền bù quá ítNhớ lại thời điểm chục năm trước, khi phải rời bỏ mảnh đất và ngôi nhà của mình tại khu vực Ngã Tư Sở để bàn giao mặt bằng cho các dự án phát triển hạ tầng của thành phố, ông Nguyễn Tường Lân (nhà 307 N2 khu tái định cư Đồng Tàu, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, khi ấy đơn giá đền bù chỉ khoảng 9 triệu đồng/m2 đất, sau nâng lên mức 10 - 11 triệu đồng; 1,5 triệu đồng/m2 nhà. Ông Lân cho rằng, số tiền đền bù như vậy quá ít, không đủ để ông mua được nhà thương mại. Do vậy, hầu hết các hộ dân thuộc diện phải tái định cư (TĐC) đều nhất trí mua nhà TĐC của thành phố tại khu Đồng Tàu.
Khu tái định cư Đồng Tàu (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) xuống cấp nhanh chóng sau khi đưa vào sử dụng. |
“Giá nhà thị trường khi đó lên đến 70-80 triệu đồng/m2. Trong khi căn nhà 3 tầng của tôi chỉ được đền bù khoảng 500 triệu đồng, thử hỏi làm sao mua nhà được. Do đó, gia đình tôi mua một căn hộ TĐC 60 m2 với giá 300 triệu đồng và còn dư được một ít tiền”, ông Lân cho biết.
Hiện nay, khu TĐC Đồng Tàu, quận Hoàng Mai là một trong những khu TĐC xuống cấp của thành phố mà báo chí phản ánh rất nhiều thời gian qua. Ông Lân ngán ngẩm: “Nếu lúc đó có cơ chế đền bù tiền hợp lý để người dân tự mua nhà thì chúng tôi đã không mua nhà TĐC ở đây làm gì”.
Thực tế, quỹ nhà TĐC được xây dựng từ nguồn ngân sách của thành phố, với nhiều cơ chế ưu đãi về thuế, phí và phân phối theo kiểu bao cấp. Giá nhà TĐC tuy rẻ, phù hợp với túi tiền người dân nhưng lại kém chất lượng, nhanh xuống cấp khiến người dân sinh sống tại đây rất bức xúc.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu thí điểm TĐC bằng tiền và hỗ trợ tiền chênh lệch để người dân mua nhà ở thương mại. Lâu nay, việc bố trí và bán nhà TĐC phải trải qua rất nhiều quy trình, tốn rất nhiều thời gian. Với nhiều dự án, do chưa có đủ quỹ nhà TĐC nên tiến độ dự án cũng trở nên ì ạch.
Nếu thí điểm cách làm mới này, việc tổ chức TĐC bằng quỹ nhà TĐC của thành phố vẫn tiếp tục thực hiện nhưng với trường hợp người dân đủ điều kiện TĐC mà có nguyện vọng tự lo chỗ ở thì các sở, ngành sẽ nghiên cứu hỗ trợ tiền chênh lệch tương xứng để người dân mua nhà thương mại nơi họ thích. Trước mắt, Hà Nội sẽ nghiên cứu thí điểm cách làm này cho người dân tự mua nhà ở tại một số dự án giao thông trên tuyến Minh Khai. Ý tưởng này được các chuyên gia hoan nghênh về mặt chủ trương, tuy nhiên, để áp dụng được thì phải làm rõ về cơ chế giá.
Tính tiền theo cơ chế nào?Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đã dành hẳn một chương cho nhà TĐC, trong đó, có quy định các hình thức hỗ trợ cho người dân phải thay đổi vị trí nhà ở do các dự án phát triển hạ tầng. Theo đó, khoản 4 điều 36 của luật quy định: Hộ gia đình, cá nhân được thanh toán tiền để tự lựa chọn việc mua, thuê, thuê mua nhà ở thương mại trên địa bàn làm nhà ở TĐC hoặc được Nhà nước giao đất ở và tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch được phê duyệt. Ông Nghiêm đánh giá đây là điểm mới nổi bật so với luật cũ và đề xuất của Hà Nội chính là nhằm cụ thể hóa quy định này.
Ông Nghiêm cho rằng đề xuất này là hợp lý và phù hợp với điều kiện hiện tại. Tuy nhiên, vị chuyên gia này băn khoăn, nhà thương mại thì sẽ tính theo giá thị trường. Trong khi đền bù nhà đất thu hồi lại theo khung giá nhà nước nên rất thấp. “Vậy giá cả tính như thế nào: giá thị trường, giá sát thị trường hay giá thỏa thuận. Tôi cho rằng nếu chủ đầu tư và người dân bị thu hồi đất không thống nhất được mức giá thì việc này sẽ rất khó khả thi”.
Ông Nguyễn Tường Lân cũng cùng chung quan điểm. Ông cho biết, trước kia, nếu những hộ dân như ông không chọn mua nhà TĐC thì sẽ được hỗ trợ thêm 50 triệu đồng để tự mua nhà, nhưng số tiền đó vẫn không đủ để mua nhà.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần có sự tính toán đơn giá cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người dân thuộc diện TĐC. Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cần xem những người có đất và tài sản bị thu hồi là những người có đóng góp vào sự phát triển chung, chứ không đơn thuần là người bị hại, được bồi thường đúng giá và khi cần thì được hỗ trợ chút ít.
Bài và ảnh: Hoàng Dương