Theo báo cáo, năm 2015, đầu tư ra nước ngoài của toàn châu Á trong lĩnh vực BĐS tiếp tục ấn tượng, đạt mức 62,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Thu hút các nhà đầu tư từ Singapore và Trung Quốc, năm 2015 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc từ các hợp đồng giao dịch lớn (hợp đồng trị giá hơn 500 triệu USD, tăng 167% so với cùng kỳ năm trước) và giao dịch danh mục đầu tư (chiếm 28% tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài của châu Á, tăng so với mức 16% trong năm 2014).
Nguồn vốn đầu tư chủ yếu vẫn tiếp tục đến từ Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông, với mức tăng của việc triển khai nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài lần lượt là 58%, 41% và 49% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư nước ngoài vào các thành phố cửa ngõ chính trở nên đa dạng hơn. Trong năm 2015, các thành phố cửa ngõ chính như New York, Sydney, Thượng Hải và Hồng Kông đều nhận được tỉ lệ vốn đầu tư cao từ châu Á.
Bà Ada Choi, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu CBRE châu Á, nhận định: Môi trường lợi nhuận thấp tại châu Á thúc đẩy các nhà đầu tư rót vốn vào những thị trường có lợi nhuận tiềm năng cao hơn. Chúng tôi kỳ vọng đầu tư ra nước ngoài của châu Á sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016 khi các nhà đầu tư lớn vẫn đang tiếp tục xây dựng danh mục đầu tư toàn cầu của họ còn các nhà đầu tư nhỏ đang dần lớn mạnh.
Chúng ta nhận thấy bốn nguồn vốn lớn đang dẫn đầu thị trường đến từ Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nguồn vốn châu Á khác như Đài Loan và Thái Lan lại có nhiều hoạt động hơn. Nhật Bản cũng quan tâm đến thị trường đầu tư toàn cầu nhưng họ có thể sẽ sử dụng phương thức đầu tư gián tiếp thông qua quỹ.
Ông Marc Giuffrida, Giám đốc điều hành Thị trường Đầu tư toàn cầu của CBRE, nhận định: Điểm nổi bật nhất trong năm qua có lẽ là sự gia tăng đột biến các hợp đồng giao dịch lớn. Lượng vốn đầu tư ra nước ngoài với các giao dịch trị giá trên 500 triệu USD tăng gấp đôi.
Thị trường văn phòng vẫn là phân khúc được quan tâm nhất, nhưng thị trường khách sạn và BĐS công nghiệp cũng được các nhà đầu tư châu Á “săn đón” mạnh mẽ.