Theo các chuyên gia xây dựng và bất động sản (BĐS), các doanh nghiệp xây dựng cần tích hợp các công nghệ tiên tiến để tạo ra nhà ở có giá rẻ hơn và tiêu thụ tốt hơn.
Thị trường thuộc về người mua
Giải thích hiện tượng giá nhà, đất liên tục giảm 2 năm lại đây nhưng sức cầu vẫn yếu ớt, chuyên gia BĐS Đặng Hùng Võ cho rằng, là do giá sản phẩm (nhà, đất) không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Sức cầu ở đây là cầu của các đối tượng có nhu cầu nhà để ở chứ không phải đầu cơ - ông Võ nói. Vì sản phẩm không phục vụ nhu cầu thật nên dù nhiều phân khúc nhà, khu vực dự án trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề giá giảm từ 40 - 50% nhưng vẫn không có khách mua.
Nhận xét thị trường dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty địa ốc 11 (TP.HCM) cho rằng, vị thế chủ - khách (chủ đầu tư dự án và khách hàng) của thị trường BĐS đã “đảo chiều” và có thể còn kéo dài xu hướng này. Nếu như trước đây, khách hàng sẵn sàng mua nhà “trên giấy” thì nay không những họ chọn nhà đã xây xong phần thô mà giá cả phải rẻ mới mua. Thực tế hiện nay cho thấy, dù dự án có vị trí đẹp nhưng giá sản phẩm không phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng thì sản phẩm cũng không thể bán được. “Do đó, cách tồn tại (đối với doanh nghiệp có hàng tồn) và giải pháp phát triển của doanh nghiệp BĐS có dự án định triển khai trong bối cảnh này là phải tìm giải pháp để làm ra các sản phẩm phù hợp với sức cầu’, ông Giang nói.
Giải pháp tích hợp công nghệ
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ xây dựng quốc tế Việt Nam cho rằng, nếu doanh nghiệp xây dựng tích hợp toàn diện các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, thì giá thành xây dựng trên mỗi m2 nhà ở sẽ giảm đáng kể.
Theo ông Giang, giải pháp giảm giá nhà phải đồng thời kết hợp hai yếu tố: thời gian nhanh (để tiết kiệm chi phí vốn) và vật liệu nhẹ để tiết kiệm các chi phí móng, khung, tường, sàn… Mỗi giải pháp tiết kiệm từ 10 - 15% sẽ giúp toàn bộ công trình giảm giá từ 30 - 50%.
Ví dụ, tại Việt Nam, các chuyên gia xây dựng đã triển khai hiệu quả giải pháp móng top base, sàn rỗng, khung thép so le, tường nhẹ LC… khi xây nhà cao tầng như: chung cư cao cấp 28 tầng, đường Lê Trọng Tấn, công trình 249A Thụy Khê (Hà Nội), chung cư cao cấp Ocean View 25 tầng (Vũng Tàu), các công trình nhà ở xã hội Phú Sơn 11 tầng (Thanh Hóa), nhà ở 11 tầng Hưng Lộc (Nghệ An)… Các công trình trên, chủ đầu tư đã áp dụng triệt để các công nghệ tiên tiến nên giá nhà ở xã hội chỉ còn 4,5 triệu đồng/m2, giá nhà ở thương mại chỉ khoảng dưới 10 triệu đồng/m2. “Từ việc áp dụng các giải pháp công nghệ, giá nhà thương mại bán ra chỉ cần khoảng 12 triệu đồng/m2 và giá nhà ở xã hội khoảng 7 - 8 triệu đồng/m2 tại Hà Nội là chủ đầu tư đã có lãi”, ông Phương khẳng định.
Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, nhiều công nghệ xây dựng tiên tiến đã có mặt tại Việt Nam nhưng chưa được các doanh nghiệp áp dụng phổ biến. Ví như các giải pháp như cọc bê tông ly tâm thay cho cọc khoan nhồi, nền móng top base thay cho móng bè, sàn rỗng thay cho sàn bê tông và vật liệu mới thay thế… việc tích hợp công nghệ mới sẽ giúp chiều cao công trình tăng, trong khi trọng lượng giảm được 35 - 50%. Trọng lượng công trình giảm giúp lượng cốt thép sàn giảm từ 5 - 10%, bê tông móng giảm 6 - 10%, số lượng khung, cột giảm 40%, thời gian thi công cũng giảm 35%... Do đó, thông tin về việc đã có nhiều công ty xây dựng Việt Nam tạo ra giá nhà ở xã hội chỉ 4,5 triệu đồng/m2 và nhà ở thương mại dưới 10 triệu đồng/m2 là có cơ sở.
Xuân Hương