Công trình xanh được hiểu là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo tái sử dụng đều đạt được các tiêu chí: Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu nhỏ nhất các tác động đến môi trường xung quanh và sức khỏe con người, bảo tồn cảnh quan và sinh thái tự nhiên, tạo điều kiện sống tốt nhất cho con người.
Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải đạt nhiều giải thưởng thế giới về công trình xanh. |
Theo các nghiên cứu trên thế giới, các công trình xây dựng đóng góp tới 1/3 tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu, 40% tổng sử dụng năng lượng và 25% tổng tiêu thụ nước, trong khi đó với trình độ công nghệ hiện tại, các công trình có thể nâng khả năng tiết kiệm năng lượng lên từ 30 - 80%.
Yêu cầu xây dựng các công trình xanh, thân thiện với môi trường được đặt ra ngày càng cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia Công trình xanh Việt Nam của tổ chức IFC cho biết, tiềm năng cải thiện môi trường của các công trình xanh rất lớn nhưng các chủ đầu tư thường ít quan tâm tới các vấn đề vĩ mô mà chú trọng hơn vào các lợi ích kinh tế mà các công trình xanh mang lại.
Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự hiểu đúng và hiểu đủ về lợi ích của công trình xanh. Ngoài các lợi ích kinh tế trực tiếp, cân đong đo đếm được như việc công trình xanh có thể giảm chi phí vận hành công trình trong suốt vòng đời 50 - 70 năm, còn nhiều lợi ích khó đong đếm được như chi phí lao động. Tại Mỹ và các nước phát triển, đã có nhiều số liệu chứng minh mối quan hệ giữa công trình xanh và năng suất lao động cao ghi nhận ở người sử dụng công trình. Nhân viên làm việc tại đây có tỷ lệ nghỉ ốm thấp hơn, do đó chi phí lao động của công ty cũng thấp hơn.
Theo PGS TS Hoàng Mạnh Quân, CEO Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh, công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải. Do đó, đây là xu hướng cần được nhân rộng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Hiện nay có nhiều bộ tiêu chuẩn, tiêu chí công nhận Công trình xanh của các tổ chức uy tín trên thế giới. Các chủ đầu tư có thể dựa vào điều kiện thực tế của dự án mình để chọn bộ tiêu chí phù hợp.
Ngày càng có nhiều chủ đầu tư xây dựng quan tâm đến các bộ tiêu chuẩn công trình xanh. |
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường (Bộ Xây dựng) đánh giá: Ý tưởng của chủ đầu tư là rất quan trọng, người dân sẽ không mua căn hộ chỏng chơ. Khi thị trường đang thiếu cung thì bán dễ, "chưa xanh" đã có người mua nhưng thừa cung thì khách hàng có nhiều lựa chọn.
Ông Thịnh lưu ý: Chủ đầu tư thiết kế xanh rồi, chứng nhận công trình xanh rồi nhưng việc quản lý vận hành cũng phải xanh. Nếu ống đổ rác làm tốt nhưng cứ cho than tổ ong vào, cho rác chưa phân loại vào, dùng nước lãng phí… thì sẽ phá vỡ yêu cầu về xanh. Do đó, phải theo dõi cả vòng đời công trình chứ không phải chứng nhận xong là xong.
"Công trình xanh là hiện hữu, hoàn toàn có thể làm được, không có gì khó. Đừng thần thánh hóa nó bởi nhiều chung cư ở Hà Nội đã làm được. Ở đây vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là rất quan trọng trong việc liên kết, động viên, hướng dẫn các chủ đầu tư, hội viên đi theo xu hướng công trình xanh", ông Thịnh cho hay.
Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 115 công trình đăng kí cấp chứng nhận công trình xanh với các hệ thống đánh giá khác nhau. Con số này tương đương Thái Lan nhưng so với con số 3.000 công trình xanh của Singapore thì còn quá ít ỏi.