Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh, hiện nay, khó khăn về pháp lý chiếm gần 70%; trong đó có khó khăn về tính giá đất. Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và công điện của Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong thủ tục pháp lý.
Bộ Xây dựng đã có báo cáo khá toàn diện về kết quả của Tổ công tác liên quan tháo gỡ khó khăn trong các dự án về bất động sản. Thời gian qua, Tổ công tác đã đi các địa phương để đôn đốc cũng như lắng nghe các dự án gặp khó khăn, đồng thời cũng là rà soát các dự án khó khăn như tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận…
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, hiện đã xác định được các khó khăn, vướng mắc về thể chế. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định và các bộ, ngành cũng ban hành nhiều Thông tư để giải quyết những vướng mắc này. Cụ thể như Bộ Tài chính đã có giải pháp liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất tháo gỡ những quy định pháp luật liên quan về đất đai; Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều giải pháp tháo gỡ liên quan đến nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn phục vụ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh dẫn chứng về một số Nghị định sửa đổi những Nghị định trong lĩnh vực xây dựng nhằm đề xuất, tháo gỡ liên quan đến các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thời gian qua, nhất là nhóm chính sách về nhà ở xã hội đã được đưa vào sửa đổi theo Luật Nhà ở. Do đó, có thể nói các vướng mắc về mặt thể chế đến nay cơ bản đã được tháo gỡ, giải quyết.
Qua rà soát cho thấy, vướng mắc liên quan đến việc thực thi tại các địa phương cũng đã được tập hợp và báo cáo. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có Công điện gửi các địa phương và bộ, ngành về việc tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn của các dự án bất động sản, đặc biệt yêu cầu với các dự án đang đầu tư dở dang phải có giải pháp kịp thời.
Thời gian qua, nổi lên một số dự án còn nhiều khó khăn, tập trung ở các địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai và một số tỉnh phía Nam, chủ yếu là vướng mắc liên quan đến trình tự đầu tư. Các dự án này diễn ra trong thời gian dài và qua nhiều giai đoạn khác nhau, liên quan đến nhiều bộ, ngành nên vẫn phải cùng phối hợp để tháo gỡ…
"Do đó, chúng tôi đang phối hợp cùng các địa phương tiếp tục đôn đốc, rà soát và tháo gỡ. Những vấn đề gì liên quan bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó sẽ trả lời kịp thời và đồng hành cùng các địa phương. Mục tiêu là trong thời gian tới các bộ, ngành sẽ cùng địa phương tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy nguồn cung" - Thú trưởng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng nữa là thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo đúng Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" nhằm tạo nguồn cung về nhà ở, góp phần tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Với các biện pháp xử lý kịp thời của Chính phủ, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, thị trường bất động sản đã có những kết quả khả quan tích cực tại một số địa phương trong thời gian gần đây. Điều này thể hiện trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và sự quyết liệt tập trung của Chính phủ trong đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.