Toàn bộ tòa nhà mà HANCO3 đề xuất đập bỏ để xây mới. Ảnh Minh Nghĩa/TTXVN |
Một sự lãng phí vô cùng lớn khi chính chủ đầu tư lại đề xuất với thành phố Hà Nội phương án phá bỏ toàn bộ dự án để xây dựng nhà thương mại phục vụ tái định cư theo đặt hàng của thành phố.
Dù phương án gì được đưa ra lúc này cũng cho thấy một sự lãng phí vô cùng từ cách làm duy ý trí của doanh nghiệp, nhà quản lý đến chính quyền địa phương. Câu chuyện trên đang là một sự thật nhức nhối, bi hài ở ngay giữa Thủ đô khi người dân thu nhập thấp vẫn còn rất khó khăn về nhà ở.
Lãng phí từ cách làmTừ năm 2004, Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (HANCO3) được UBND thành phố Hà Nội cho phép làm chủ đầu tư xây dựng 3 tòa nhà tái định cư tại ô đất NO4 khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên (Hà Nội) với 150 căn hộ với mục đích tái định cư tại chỗ phục vụ dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm ngay trong khu đô thị này. Đến năm 2007, 3 tòa nhà trên cơ bản được xây dựng xong, đủ điều kiện để đón người dân đến ở.
Nhưng thật trớ trêu, do không tìm được tiếng nói chung giữa người dân bị giải phóng mặt bằng với HANCO3 nên không có một người dân nào nhận nhà chung cư tái định cư. Để từ đó đến nay, sau 10 năm, 3 tòa nhà phơi nắng phơi mưa, xuống cấp trông thấy, trong khi đó, dự án mở rộng tuyến phố Sài Đồng cũng không thể triển khai theo đúng quy hoạch.
Từ bên ngoài có thể dễ dàng nhận thấy cửa bị khóa, các ban công bị hoen rỉ, bên cạnh những mảng tường bị bong tróc vữa. Ở phía chân móng, lối đi trước của các tòa nhà, cây cỏ mọc um tùm, cùng vật liệu gỗ thép, rác thải vứt ngổn ngang, tạo cảnh hoang phế xuống cấp. Duy chỉ có một tòa nhà, HANCO3 cho một đơn vị khác thuê làm cơ sở sản xuất nhôm kính, vật liệu xây dựng.
Do tòa nhà bị bỏ hoang 10 năm nên nhiều người dân quanh đó đã tận dụng những bãi đất trống để trồng rau, càng khiến cho khung cảnh tiêu điều.
Trước thực trạng trên, mới đây "khổ chủ" là HANCO3 có văn bản đề nghị thành phố cho phép phá dỡ toàn bộ dự án để xây dựng nhà thương mại phục vụ tái định cư theo đặt hàng của thành phố đáp ứng nhu cầu mới của người dân hiện nay. Để xử lý vấn đề này, Thành ủy – UBND thành phố Hà Nội đã giao chủ đầu tư và các ngành chức năng đề xuất phương án đầu tư đối với 3 tòa nhà tái định cư tại khu đô thị Sài Đồng.
Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, sau khi kiểm tra hiện trường, liên ngành đã thống nhất yêu cầu chủ đầu tư giải trình cụ thể về tiến độ xây dựng tuyến đường 30m trong khu đô thị Sài Đồng và nhu cầu nhà tái định cư để bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ gia đình; đề xuất phương án bố trí tái định cư.
Đồng thời đề nghị chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn lập 2 phương án kinh tế để có cơ sở đánh giá phương án xử lý, cụ thể là sửa chữa, cải tạo thành nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Thành ủy – UBND thành phố; hai là phá dỡ xây dựng lại để xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng. Tuy nhiên, theo hạn chót là 30/9/2017, chủ đầu tư vẫn chưa có văn bản báo cáo gửi Sở Xây dựng để liên ngành xem xét, báo cáo thành phố.
Một góc tòa nhà mà HANCO3 đề xuất đập bỏ để xây mới. Ảnh Minh Nghĩa/TTXVN |
Là công nhân hàng ngày làm công tác vệ sinh môi trường tại Khu đô thị mới Sài Đồng, chị Lương Thị Xuân Nghiêm cho rằng: Việc bỏ hoang 3 tòa nhà này hơn chục năm nay là một sự lãng phí rất lớn, càng ngày càng xuống cấp. Các cấp, các ngành cần có phương án xử lý phù hợp để sử dụng hiệu quả quỹ nhà, đặc biệt trong điều kiện Hà Nội đang rất thiếu nhà ở xã hội phục vụ cho những người dân thu nhập thấp.
Cùng chung ý kiến như chị Lương Thị Xuân Nghiêm, ông Trần Văn Phát, cư dân sinh sống tại khu đô thị mới Sài Đồng ngay từ khi dự án mới được triển khai cho biết, mặc dù 3 tòa nhà này bỏ hoang đã lâu nhưng nếu đập bỏ là điều rất lãng phí.
Hiện nay, mặc dù chưa có phương án chính thức cho sự việc hy hữu này, song một số chuyên gia xây dựng cho rằng, đây là một sự lãng phí vô cùng lớn, dù tiền của doanh nghiệp nhưng cũng là nguồn lực của Nhà nước.
Hay lấy ví dụ tương tự về việc mới đây Hà Nội đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng 2 tòa nhà (A2, A3) thuộc Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp sang làm nhà ở xã hội khi sinh viên “thờ ơ” không thuê cho thấy, đây không phải là vấn đề quá phức tạp nhưng là bài học nghiêm túc về tư duy và tầm nhìn cho các cơ quan quản lý khi xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển nhà ở đô thị bảo đảm chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đề ra.