Đô thị cao cấp thành ốc đảo trong mưa
Theo chân một môi giới bất động sản tới dự án biệt thự cao cấp đang triển khai trên đường Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi được nghe giới thiệu đây là dự án quy mô lớn, đẳng cấp, khi hoàn thành sẽ trở thành khu vui chơi, thư giãn mới của người dân khu Tây Nam Thủ đô. Dự án được ăn theo hạ tầng của khu công viên văn hóa Chu Văn An.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về dự án, nhất là khả năng tiêu thoát nước vì này nằm giữa một khu vực cánh đồng, môi giới chỉ nói qua loa: "Cái đó thì em chưa tìm hiểu đến, nhưng nói chung là anh không phải lo vấn đề đó".
Mưa lớn làm nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội ngập chìm trong nước. Cuộc sống người dân bị đảo lộn.
|
Khu vực này trước đây là đồng ruộng của các làng xã ngoại thành Hà Nội, từ khi dự án đường vành đai 3 được mở, các khu đô thị mọc lên như nấm dọc hai bên đường. Tuy nhiên hệ thống thoát nước chưa được xây dựng hoàn chỉnh nên cứ mỗi khi có mưa lớn là đường Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm lại ngập sâu. Không hiểu khi dự án kia đi vào hoạt động, tình hình ngập úng có được giải quyết?
Những cơn mưa lớn kéo dài hồi cuối tháng 7 vừa qua đã khiến nhiều khu vực của Hà Nội bị ngập sâu. Những tuyến phố cũ quá tải hạ tầng ngập lụt đã đành, nhưng ngay cả những khu đô thị mới trên những tuyến đường hiện đại cũng ngập lụt thì quả là thật... ngán ngẩm.
Các dự án như Housinco Grand Tower, khu đô thị The Mannor Central Park, khu liền kề Athena Fulland Đại Kim (Nguyễn Xiển)… đều được các chủ đầu tư quảng cáo là đô thị cap cấp, thiết kế hiện đại, vị trí đắc địa, thuận tiện đi lại. Thế nhưng, cảnh tượng hàng loạt xe máy, ô tô chết máy, giao thông tê liệt nhiều giờ đồng hồ trên trục đường Nguyễn Xiển đã cho thấy điều ngược lại.
Cùng chung số phận, Tòa T1, T2 Thăng Long Victory (Khu đô thị An Khánh, Hoài Đức), dù được giới thiệu là kết nối thuận tiện với trung tâm TP bởi những tuyến đường thông thoáng của Đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn... nhưng sau cơn mưa lớn cũng biến thành… ốc đảo.
Gia đình anh Minh T. chia sẻ: “Nghe thông tin chủ đầu tư sắp mở bán tòa T3 ở khu đô thị An Khánh, vợ chồng tôi đã rậm rịch chuẩn bị tiền để sở hữu một căn hộ tại đây. Nhưng nhìn cảnh tượng ngập lụt vừa rồi thì nhà tôi buộc phải suy nghĩ lại”.
Các tuyến đường như vành đai 3 Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Tố Hữu, đại lộ Thăng Long... dù được đầu tư hàng nghìn tỷ xây dựng nhưng nay đều trở thành những điểm đen ngập lụt. Nhờ ưu thế huyết mạch kết nối giao thông Thủ đô nên các dự án bất động sản dọc các tuyến đường này rất đắt giá và bán chạy. Tuy nhiên, có lẽ các cư dân không thể ngờ là mình đã mua nhà tại rốn ngập của Hà Nội.
Cần giải pháp tổng thể
Cảnh tượng giới nhà giàu tại các khu đô thị mới, hiện đại bị cô lập trong biển nước, buộc phải di chuyển bằng… thuyền, xuồng đã trở thành nỗi ám ảnh của số đông khách hàng. Mật độ xây dựng nhà tại các khu chung cư, đô thị mới quá cao. Nhiều dự án chỉ chú trọng xây xong nhà để bán, các hạng mục hạ tầng khác trong đó có thoát nước hầu như không được quan tâm... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Khu đô thị An Khánh (Hoài Đức) biến thành ốc đảo sau mưa lớn.
|
Theo chuyên gia thủy lợi Tô Văn Trường, thành viên Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, với Hà Nội, lũ không phải là vấn đề quá đáng lo nhờ có hệ thống đê sông Hồng và hồ điều hòa; vấn đề đáng lo là phải giải bài toán ngập úng, thoát nước mưa tại chỗ (tương tự trận mưa lớn năm 2008).
Hà Nội cần tập trung xây dựng các mạng cống cấp 3, cấp 2 và các đầu nối từ nhà ra mạng cấp 3, để công trình được đồng bộ, hoạt động có hiệu quả. Khu phố cổ Hà Nội mưa lớn không bị ngập là nhờ hệ thống thoát nước hợp lý. Nhiều nơi khác của thành phố bị ngập do các hồ điều hoà bị lấp, cống rãnh bị tắc nghẽn, hệ thống bơm chưa phát huy tác dụng. Lỗi này do dân một phần, người lãnh đạo, quy hoạch, quản lý chịu một phần.
Có thể nói, Hà Nội đang thiếu một tầm nhìn quy hoạch trong ứng phó và xử lý ngập lụt. Trước kia, Hà Nội bị ngập trong khu vực nội đô vì khu vực này có hạ tầng thoát nước yếu kém, không đồng bộ, quá tải... Nay, ngập úng lan rộng ra ngoại thành, đến các khu phố mới, khu đô thị mới. Những khu đô thị được quy hoạch mới 100% cũng đã chìm nghỉm trong biển nước.
Về phía các doanh nghiệp bất động sản, công bằng mà nói, nhiều doanh nghiệp cố tình che khuyết điểm dự án của mình. Các chuyên gia khuyến cáo, người mua nhà cần tính toán để đánh giá đúng hạn chế của một dự án. Đầu tiên là yếu tố vị trí, dự đoán xem khu vực đó có khả năng ngập lụt không. Cách chọn nhà không ngập là có thể so sánh với các dự án, nhà ở gần đó rồi đối chiếu với khu vực mình cần mua.
Để nâng cao năng lực hệ thống thoát nước, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt ra một số vấn đề Hà Nội cần sớm giải quyết. Thứ nhất, phải cập nhật quy hoạch thoát nước với việc thực hiện quy hoạch đô thị hiện nay. Quy hoạch thoát nước phải được thực hiện và kết nối với quy hoạch chung.
Thứ hai là dùng các biện pháp hiện đại hơn trong việc quản lý hệ thống cống thoát nước đô thị.
“Thành phố cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này. Về phía người dân phải có ý thức bảo vệ cơ sở hạ tầng, giữ gìn môi trường sạch sẽ”, TS Phạm Sỹ Liêm nói.
Cơ sở hạ tầng tiêu thoát nước gồm hai phần: hệ thống trục tiêu thoát nước chính và hệ thống mương xương cá. Muốn giải quyết được ngập úng thì phải đầu tư đồng bộ cả hai phần này.