Giá nguyên vật liệu đang điều chỉnh giảm sẽ tác động tích cực đến một số doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt, những doanh nghiệp vật liệu xây dựng có lợi thế riêng sẽ có cơ hội tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận nhờ những dự án trọng điểm.
Nhằm bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác, Chính phủ đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023. Dự kiến sẽ có 793.000 tỷ đồng dành cho giải ngân đầu tư công vào năm 2023, tăng 34% so với kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng từ 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022 nhờ nút thắt thiếu đá xây dựng, đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới và giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ được khởi công từ cuối năm 2022, bao gồm: Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (tháng 12/2022); nhà ga hành khách và đường băng sân bay tại Sân bay Long Thành (tháng 12/2022); nhà ga T3 tại Sân bay Tân Sơn Nhất (tháng 12/2022); cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (tháng 4/2023) và cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (tháng 6/2023). Trong khi đó, 11 dự án thành phần của Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 vẫn sẽ được đẩy mạnh thi công và hoàn thành lần lượt trong giai đoạn 2022-2024.
Các dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý trong thời gian tới là cao tốc Bắc Nam phía Đông – giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, đường vành đai 4 (Hà Nội) và đường vành đai 3 (Tp. Hồ Chí Minh).
Việc chỉ định thầu tại Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 sẽ mở ra cơ hội cho các công ty xây lắp hàng đầu. Nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã được quyền chỉ định thầu Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã công bố các tiêu chí lựa chọn nhà thầu xây lắp nhằm đảm bảo các dự án được thực hiện một cách minh bạch.
Những công ty hàng đầu với năng lực đã được chứng minh bao gồm Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (mã chứng khoán: VCG), CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV), Tập đoàn CIENCO4 (mã chứng khoán: C4G)... đã nắm nhiều lợi thế để giành được các gói thầu quy mô lớn.
Đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa đường được cho là thời điểm đẩy nhanh tốc độ ghi nhận lợi nhuận. Chính phủ đang đặt mục tiêu 11 dự án thành phần Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 phải được hoàn thành đúng thời hạn ban đầu. Như vậy, lần lượt trong các năm 2022, 2023 và 2024 sẽ có khoảng 361km, 148km và 128km đường cao tốc tại dự án này sẽ được hoàn thành.
Bên cạnh đó, 349km đường cao tốc tại dự án Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 cũng sẽ đi vào vận hành lần lượt trong giai đoạn 2023-2025. Trong khi việc rải nhựa đường thường diễn ra trong giai đoạn sau của các dự án đường giao thông, do đó các công ty nhựa đường được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ quý IV/2022.
Do chưa có số liệu thống kê về ngành nhựa đường Việt Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT so sánh mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành dựa trên Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (mã chứng khoán: PLC).
Có thể thấy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhựa đường chịu tác động rất lớn của giải ngân vốn đầu tư công.
Chứng khoán VNDIRECT lấy ví dụ, doanh thu nhựa đường của PLC đã tăng vọt trong giai đoạn 2014-15, khi giải ngân vốn đầu tư công vào hạ tầng giao thông tăng mạnh.
Ở chiều ngược lại, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng thấp trong năm 2016-2019 được cho là do ngân sách Chính phủ hạn chế và đầu tư tư nhân giảm nhiệt vào các dự án BOT, dẫn đến doanh thu nhựa đường của PLC giảm xấp xỉ 50% so với năm 2014-2015.
Đối với cách doanh nghiệp sản xuất đá xây dựng, do đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ.
Dự án sân bay Long Thành vừa được khởi công xây dựng san nền và làm móng, đây sẽ là động lực tăng trưởng chính đối với nhu cầu đá xây dựng tại khu vực Đông Nam Bộ thời gian tới. Theo đó, những doanh nghiệp niêm yết sở hữu những mỏ đá nằm gần sân bay Long Thành được ưu tiên huy động nhờ sở hữu lợi thế và chất lượng sản phẩm.
Việc cấp phép khai thác cho các mỏ đá xây dựng đang gặp khó khăn ở cả việc gia hạn thời gian, tăng công suất khai thác và đặc biệt là cấp phép khai thác mỏ đá mới do sự phản đối của người dân địa phương khi việc khai thác đá đang để lại nhiều hệ lụy xấu đến môi trường. Cùng đó, hầu hết các mỏ đá cũ (đã hết thời hạn khai thác) đều chưa thực hiện các thủ tục đóng mỏ theo như cam kết ban đầu.
Do đó, các doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết đang sở hữu các mỏ đá có thời gian khai thác dài, công suất khai thác lớn sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2030.
Các công ty niêm yết đang sở hữu những mỏ đá chất lượng cao với vị trí thuận lợi sẽ là nguồn cung chính cho sân bay Long Thành, đặc biệt là cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân do CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã chứng khoán: KSB), CTCP Hóa An (mã chứng khoán: DHA), CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (mã chứng khoán: VLB) và CTCP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai (mã chứng khoán: DND).
Chứng khoán VNDIRECT nhận định, dự án trọng điểm Cao tốc Bắc Nam sẽ là động lực lớn thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp đá xây dựng trong năm 2023-2024.
Đối với thị trường xuất khẩu vật liệu xây dựng được dự báo sẽ suy giảm do nhu cầu toàn cầu yếu. Chứng khoán VNDIRECT cho biết, việc các đơn đặt hàng mới thấp, báo hiệu hoạt động sản xuất công nghiệp và nhu cầu thép sẽ giảm trong thời gian tới. Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu cũng khiến giá bán thép giảm rõ rệt ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là các sản phẩm thép dẹt như thép cuộn cán nóng (HRC).
Tăng trưởng nhu cầu vật liệu xây dựng của Trung Quốc chững lại trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản. Hoạt động xuất khẩu thép và xi măng của Việt Nam vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới, trước khi tình hình được cải thiện trong nửa cuối năm 2023.
Kỳ vọng này đến từ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, các lệnh giãn cách xã hội có dấu hiệu được nới lỏng và các gói cứu trợ lĩnh vực bất động sản dần có hiệu lực ở Trung Quốc và sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi khi tình trạng thiếu hụt năng lượng dần được kiểm soát.
Tại thị trường trong nước, thị trường bất động sản nhà ở chậm lại đã khiến nhu cầu thép trong nước giảm. Cùng đó, lãi suất tăng đã đè nặng lên chi phí lãi vay. Theo Chứng khoán VNDIRECT, tất cả các công ty thép tại cuối quý III/2022 đều đang ở vị thế nợ vay ròng. Do đó, chi phí lãi vay sẽ tăng trong môi trường lãi suất cao hơn.
Như vậy có thể thấy rằng, các doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu xây dựng đang có cả khó khăn và thuận lợi đan xen. Tuy nhiên, khó khăn và thuận lợi của các doanh nghiệp là rất khác nhau. Thậm chí, những doanh nghiệp đầu ngành, hoặc có vị trí thuận lợi gần dự án được nhận định sẽ có nhiều cơ hội để bứt tốc doanh thu và lợi nhuận nhờ những dự án trọng điểm được triển khai.