Dòng tiền cho vay bất động sản tập trung vào phân khúc cá nhân

Mặc dù dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) tăng trưởng mạnh trong các năm qua nhưng phần lớn chảy vào cá nhân mua nhà, trong khi các khoản rót vốn cho chủ đầu tư dự án lại bị thu hẹp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 783.942 tỷ đồng, tăng khoảng 84.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021 (tương ứng mức tăng 12%). Trong đó, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng. Đây là mức đã được duy trì từ cuối năm ngoái đến nay và được đánh giá là an toàn.

Chú thích ảnh
Tín dụng bất động sản sẽ hạn chế vay đầu cơ, đầu tư mà tập trung vào những khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thật. 

Theo các ngân hàng, tỷ lệ cho vay BĐS tuy có cao nhưng vẫn trong mức cho phép. Hầu hết, các nguồn vốn vay này đều đi vào nhu cầu mua nhà thật nên rủi ro nợ xấu ngân hàng không cao. Cụ thể, tại ngân hàng ABBank, tỷ lệ cho vay BĐS của ngân hàng chỉ khoảng 6%, cho mua nhà ở khoảng 17%; nợ xấu liên quan đến BĐS và xây dựng cũng ở mức 0,1-0,15%.

Tương tự, tại ngân hàng Sacombank, dư nợ cho vay BĐS chiếm khoảng 22% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay người dân xây, sửa nhà chiếm đến 60%; cho vay doanh nghiệp BĐS chỉ chiếm khoảng 20%, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng, rất nhỏ so với tổng dư nợ gần 400.000 tỷ đồng của Sacombank.

Với OCB, tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ bất động sản cả kinh doanh và tiêu dùng, mua nhà ở là 32%, trong đó 72% là cho vay để mua nhà, 9% cho vay liên quan đến các dự án bất động sản. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng OCB, bản chất các dự án bất động sản mà OCB cho vay phần lớn là các dự án của đối tác, muốn tạo nguồn hàng để tiếp tục cho vay bán lẻ. Chiến lược của OCB là tập trung cho khách hàng cá nhân vay mua nhà có giá tầm trung khoảng 1 - 2 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng cho biết, sở dĩ dư nợ tín dụng phần lớn tập trung vào cá nhân là do NHNN đang siết vốn vay các dự án đầu cơ vì nhiều rủi ro và tránh nợ xấu cao, nhất là trong thời điểm nền kinh tế trải qua 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng khuyến khích đối với tín dụng cho cá nhân vay mua nhà, nhất là đối với những người có thu nhập trung bình. Đây là phân khúc lâu nay nhiều ngân hàng “đang bỏ quên” nay sẽ là tiềm năng trong tương lai.

NHNN hiện đã giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và nâng hệ số rủi ro. Cụ thể, từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm về 37%; từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2023 còn 34% và giảm xuống 30% từ ngày 1/10/2023. Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2020, hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản tăng từ mức 150% lên 200%. NHNN cũng áp dụng hệ số rủi ro từ 50% đến 150% đối với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà dưới 4 tỷ đồng.

Xét về con số tuyệt đối, các ngân hàng vẫn có dư địa cho bất động sản, bởi tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2021 vào khoảng 10,44 triệu tỷ đồng, trong đó tín dụng bất động sản chiếm 20%, tương đương 2,09 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kế hoạch của NHNN, tỷ trọng tín dụng bất động sản năm 2022 vẫn giữ nguyên 20%, tương ứng 2, triệu tỷ đồng, tăng gần 300.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng chủ yếu cho cá nhân vay mua nhà.

Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc hạn chế hoặc ngừng cho vay mua bất động sản của một số ngân hàng đến từ tình trạng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này tới ngưỡng, cần siết lại. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là lĩnh vực đem lại lợi nhuận nhờ nhu cầu của thị trường lớn, lãi suất cho vay cao nên ngân hàng không thể bỏ qua.

Ông Lâm đưa ra khuyến nghị rằng, các ngân hàng sẽ siết tín dụng bất động sản một cách chọn lọc, không nên khóa van tín dụng bất động sản. Trường hợp tín dụng bị khoá đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ gặp trở ngại trong thanh khoản, doanh nghiệp không trả được nợ vay, ngân hàng lại đối diện với nguy cơ nợ xấu và phải mất nhiều năm mới xử lý được.

Tuy nhiên, theo NHNN, việc kiểm soát tín dụng trên nhằm hạn chế vào những phân khúc đầu cơ, những dự án rủi ro lớn… Với những hồ sơ có nhu cầu vay vốn chính đáng về nhu cầu ở, mua nhà ở xã hội, các hợp đồng vay đúng chuẩn, đúng quy định vẫn được xét duyệt cho vay.

Tin, ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Cảnh báo nguy cơ 'bong bóng' bất động sản cục bộ
Cảnh báo nguy cơ 'bong bóng' bất động sản cục bộ

Sau 2 năm chống chọi với dịch COVID-19 hoành hành, mặt bằng giá bất động sản tại hầu hết các thị trường đều không giảm mà còn tăng, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Nghi vấn về "bong bóng" bất động sản bắt đầu xuất hiện khi giá liên tục được đẩy lên cao trong khi thanh khoản trên thị trường không tăng tương ứng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN