Mặc dù đã có quy định thu phí dịch vụ tại những khu chung cư chưa có ban quản trị cần được sự thống nhất của người dân nhưng trên thực tế, tại một số chung cư, ban quản lý tòa nhà vẫn tùy tiện thu phí theo kiểu áp đặt, gây bức xúc cho dân.
Vẫn thu tùy ýTháng 7 vừa qua, hàng trăm hộ dân tại chung cư Thăng Long Garden (Minh Khai, Hà Nội) vô cùng bức xúc vì ban quản lý tòa nhà (Công ty May Thăng Long) tự ý cắt nước sinh hoạt với lý do “không đóng tiền dịch vụ”. Trao đổi với phóng viên, một hộ dân tại đây cho biết: “Ban quản lý yêu cầu phải đóng tiền dịch vụ cả năm. Với căn hộ hơn 60 m2 như nhà tôi, mức phí 4.000 đồng/m2/tháng, số tiền phải nộp lên đến gần 3 triệu đồng/năm. Chúng tôi chỉ muốn đóng theo từng tháng nhưng ban quản lý không cho”. Hiện có khoảng 1/2 số hộ tại đây chưa đóng phí dịch vụ năm theo yêu cầu của ban quản lý.
Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội). |
Tìm gặp ông Đỗ Quang Bình, Trưởng ban đại diện tạm thời của các hộ dân chung cư Thăng Long Garden, chúng tôi được biết, do sự phản đối quyết liệt của các hộ dân, cùng sự vào cuộc của phường Minh Khai nên chủ đầu tư đã phải cấp nước trở lại cho cư dân. Đại diện phường đã yêu cầu chủ đầu tư phải đối thoại với cư dân, tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa hề có một cuộc đối thoại nào.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND các quận, huyện Hà Nội, tính đến tháng 4/2015, Hà Nội mới thành lập được 156 ban quản trị nhà, cụm nhà chung cư, quản lý 259/599 nhà chung cư, đạt tỷ lệ 36% số chung cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Do đó, tại những khu nhà chưa lập được ban quản trị, mâu thuẫn giữa các bên về phí dịch vụ chung cư rất có thể còn tái diễn. |
“Mức phí 4.000 đồng/m2/tháng có phần cao hơn so với các khu chung cư khác (phổ biến ở mức 3.000 - 3.500 đồng/m2), tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân chính khiến người dân bức xúc. Chúng tôi yêu cầu ban quản lý phải thu phí dịch vụ đảm bảo 3 nguyên tắc: cân bằng thu chi, có thỏa thuận với dân và minh bạch. Tuy nhiên, chủ đầu tư không đáp ứng được điều này”, ông Bình cho biết.
Tìm hiểu thì thấy, chung cư Thăng Long Garden chưa thành lập được Ban quản trị riêng. Theo quyết định 3206/QĐ-UBND ngày 9/7/2015 của UBND thành phố Hà Nội về việc công bố khung giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đây, những khu chung cư chưa thành lập được Ban quản trị, phí dịch vụ phải được sự chấp thuận bằng văn bản của trên 50% số hộ dân cư đang cư trú tại nhà chung cư. Như vậy, ban quản lý Thăng Long Garden đã không thực hiện đúng quy định này.
Trong nhiều năm qua, mâu thuẫn giữa các cư dân sống tại các chung cư với ban quản lý tòa nhà diễn ra khá nhiều, chủ yếu là về mức phí dịch vụ quá cao, trong khi chất lượng dịch vụ thấp. Chẳng hạn tại tòa nhà Keangnam, người dân bức xúc vì phí dịch vụ cao ngất ngưởng 21.000 đồng/m2, trong khi chất lượng không “cao cấp” như lời giới thiệu. Mặc dù đã có những tranh cãi và thương thảo song thực tế, mâu thuẫn giữa cư dân và ban quản lý vẫn khó dung hòa.
Để người dân tự quyếtTrong khi mâu thuẫn liên quan đến việc thu và sử dụng phí dịch vụ xảy ra tại không ít chung cư thì tại cụm CT18 khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), việc đảm bảo lợi ích cho cư dân đang được thực hiện bởi một ban quản trị do chính các hộ dân bầu ra. Đặc biệt, đây là khu chung cư đầu tiên ở Hà Nội mà ban quản trị “đòi” được số tiền 2% phí bảo trì từ chủ đầu tư để tự điều hành chung cư, tương đương số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Hiện tại, Ban quản lý của cụm CT18 là Hợp tác xã quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ở Thụy Điển, quản lý nhà chung cư theo mô hình của Thụy Điển. Đại diện ban quản lý cho biết, khi khách hàng đã kí kết hợp đồng sử dụng các dịch vụ vệ sinh, trông giữ ô tô, xe máy, an ninh... thì nếu không chấp hành, ban quản lý có quyền cắt dịch vụ. Tuy nhiên, do đã có sự thống nhất giữa ban quản lý và ban quản trị tòa nhà nên hầu như không có tranh cãi, mâu thuẫn gì.
Vị đại diện cho biết, mức giá dịch vụ hiện nay là 2.300 đồng/m2 đối với nhà 11 tầng, 1.800 đồng/m2 đối với nhà 7 tầng và 1.000 đồng/m2 đối với nhà 5 tầng. Người dân có thể đóng theo tháng, quý hoặc năm, tùy điều kiện.
Ông Trần Tiến Dũng, Trưởng ban quản trị của khu (gồm 15 thành viên) cho biết, việc lựa chọn doanh nghiệp quản lý tòa nhà được thông qua hình thức đấu thầu, dựa trên các tiêu chí về giá và chất lượng dịch vụ. Trước đây, khi chưa có ban quản trị, đơn vị quản lý tòa nhà do chủ đầu tư chỉ định nên thu chi không minh bạch. Mức phí cũng cao hơn nhiều so với hiện nay.
Ông Dũng dẫn chứng, trước đây, ban quản lý cũ không kiểm soát được lượng xe ra vào chung cư, thất thoát khá nhiều khoản tiền nên ban quản lý phải tăng phí dịch vụ lên để bù đắp chi phí, dẫn đến người dân phản đối. Hiện nay, phí ô tô 550.000 đồng tháng, phí trông giữ xe máy là 45.000 đồng/tháng (so với 700.000 đồng và 50.000 đồng trước đây). Hơn nữa, do quản lý chặt chẽ xe ra vào bằng thẻ từ nên số lượng xe trông giữ tăng lên, từ đó thu được nhiều tiền hơn trước.
“Mỗi năm, dư ra từ việc thu phí được khoảng 200 triệu đồng, số tiền này được sử dụng vào công việc tu bổ các hạng mục công cộng của chung cư. Do làm được như vậy nên các hộ dân đều rất ủng hộ”, ông Dũng cho biết.
Có thể nói, ban quản trị có vai trò rất lớn, đứng ra đại diện lợi ích của người dân để thống nhất với đơn vị quản lý các mức phí quản lý, sửa chữa chung cư. Mô hình quản lý như tại CT18 Việt Hưng là một kinh nghiệm quý cho các chung cư khác.