Giảm giá để cứu bất động sản

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng của thị trường bất động sản đã được nhiều nhà chuyên môn, nhà quản lý và chủ đầu tư phân tích, mổ xẻ và xác định là thời gian qua bất động sản phát triển không có kế hoạch, thiếu kiểm soát dẫn đến mất cân đối nguồn lực tài chính. Trong đó, nhiều doanh nghiệp vì không kiểm soát được dòng tiền, không sử dụng vốn đúng mục đích, thiếu nghiên cứu thị trường nên sản phẩm không phù hợp. Rằng, thị trường bất động sản hiện nay cung vừa thừa vừa thiếu. Thừa ở các phân khúc cầu không thực, từ đó tạo ra sự méo mó của thị trường.


Nhiều đề xuất được đưa ra nhằm cứu thị trường bất động sản. Chẳng hạn, Bộ Xây dựng đang chuẩn bị các giải pháp như: kiến nghị đưa một số dự án, doanh nghiệp bất động sản vào diện tháo gỡ của Nghị quyết 13. Đưa một số giao dịch nhà đất vào diện miễn và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)…


Hàng trăm ngàn gia đình đang mơ ước có một chỗ ở. Ảnh batdongsan.com.vn


Tuy nhiên nhiều chủ doanh nghiệp bất động sản và khách hàng (những người có nhu cầu mua nhà ở thật sự) lại cho rằng việc giảm giá nhà đất là lối thoát cuối cùng của thị trường bất động sản; rằng sở dĩ thị trường bất động sản bị đóng băng như hiện nay là do chủ đầu tư luôn đưa ra giá “trên trời”, không phản ánh giá trị thật của bất động sản.


Có một thực tế là, trong thời gian rất dài, nhiều nhà đầu cơ đầu tư rất lớn vào thị trường bất động sản; và chính họ đã làm giá, thổi giá bất động sản lên cao đến phi lý. Bóng dáng của những người đầu cơ bất động sản đã mang đến một diện mạo u ám cho thị trường bất động sản. Những người có nhu cầu nhà ở rất khó mua được tận gốc, phải thông qua trung gian, môi giới; thậm chí mua lại các suất “ngoại giao” với tiền “vênh” từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Sự mập mờ của nhà đầu tư và đầu cơ càng khiến cho niềm tin của khách hàng vào thị trường giảm sút.


Phải nói rằng, sau khi một loạt chủ đầu tư giảm giá bán căn hộ chung cư, có dự án như chung cư Đại Thanh chỉ còn 10 triệu đồng/m2 mà vẫn có lãi thì khách hàng mới thấy nhiều năm qua các chủ đầu tư bất động sản cũng như giới đầu cơ đã thu lời đến cỡ nào! Nhiều chủ doanh nghiệp bất động sản cũng thừa nhận rằng, giá bất động sản cao là do thị trường không minh bạch, bị chi phối quá nhiều của nhà đầu tư. Từ đó dẫn đến thị trường bất động sản bị mất niềm tin do giá không thực, cầu chưa đúng phân khúc. Kéo theo niềm tin của người tiêu dùng bị mất, họ không biết đâu là đáy, nên tạo tâm lý chờ đợi làm cho thị trường chưa thể “phá băng”.


Hàng chục ngàn căn hộ chung cư tồn đọng trong khi hàng trăm ngàn hộ gia đình, nhất là những hộ có thu nhập thấp, đang mơ ước có được một chỗ ở. Họ chính là khách hàng của thị trường bất động sản. Nếu so số lượng căn hộ tồn kho với nhu cầu về nhà ở thì chỉ như muối bỏ bể. Trong khi căn hộ tồn kho làm cho nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng, người có nhu cầu về nhà ở vẫn không mua được nhà; đó là một nghịch lý kinh tế - xã hội.


Do đó để giải quyết tình trạng khủng hoảng của thị trường bất động sản phải có các biện pháp tổng hợp cả về kinh tế và xã hội. Trước hết, các chủ đầu tư cần phải đưa ra mức giá hợp lý, đúng với giá trị thật của bất động sản; đồng thời tìm biện pháp bán sản phẩm đến tận tay khách hàng không qua cò mồi, trung gian; làm cho thị trường nhà đất thật sự minh bạch.


Mặt khác, với những dự án mà chủ đầu tư không còn khả năng triển khai thì phải thu hồi để làm các dự án nhà ở xã hội, nhà cho thuê, nhà cho người thu nhập thấp. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho vay dài hạn với các đối tượng như gia đình chính sách, người có công, người thu nhập thấp để họ có thể mua được nhà. Nguồn vốn này được xem như vốn kích cầu cho thị trường bất động sản và là nguồn vốn thật sự giúp đỡ người nghèo.



Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN