Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng
Chính phủ, Sở Tài nguyên - Môi trường và các Sở, ngành, quận, huyện ở Hà Nội đã
triển khai quyết liệt, xử lý và đề xuất xử lý kiên quyết các dự án vi phạm Luật
đất đai.
Vẫn còn nhiều tồn tại về vi phạm Luật Đất đai ở Hà Nội. Ảnh Internet. |
Từ tháng 7/2009 đến
tháng 6/2012, các đơn vị chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 605 tổ
chức sử dụng đất. Đến nay, đã có 327 tổ chức tự khắc phục vi phạm, tồn tại
trong việc sử dụng đất; 133 dự án được kiểm tra, tháo gỡ, giải quyết vướng mắc
trong công tác giải phóng mặt bằng; xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý đất
đai đối với 81 tổ chức với số tiền phạt gần 1,6 tỷ đồng; kiểm tra, xử lý thu
nghĩa vụ tài chính đối với 77 dự án còn nợ đọng.
Kết quả, trong 3 năm (từ 2009
đến 2011), thành phố đã quyết định thu hồi đất của 29 tổ chức với tổng diện
tích 215.847m2. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài
nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã lập hồ sơ, trình
thành phố ra quyết định thu hồi gần 820 ha đất của 11 tổ chức.
Phó Chủ tịch UBND
thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, kết quả xử lý, khắc phục các vi phạm,
tồn tại trên thể hiện quyết tâm của các cấp, các ngành trong việc tăng cường kỷ
cương, pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng
đất, hạn chế tối đa việc để đất hoang hóa, lãng phí, vi phạm Luật đất đai.
Tuy
nhiên, do các nguyên nhân chủ quan, khách quan, tình trạng dự án chậm triển
khai, vi phạm Luật đất đai vẫn chưa được khắc phục triệt để. Do vậy, thời gian
tới, thành phố yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải tiếp tục tập
trung thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Trước mắt, Thành phố
giao Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố chủ trì cùng các đơn vị liên
quan phân loại các dự án chậm triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng để đề xuất
phương án xử lý cụ thể đối với từng loại. Các dự án đủ điều kiện thực hiện phải
hướng dẫn, tháo gỡ về thủ tục, vốn và nhân lực. Đối với các dự án vướng mắc về
quy hoạch, về địa giới hành chính không triển khai được thì phối hợp với Sở Quy
hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất xử lý theo quy định của luật.
Còn với các trường hợp không triển khai giải phóng mặt bằng, không có thông tin
liên hệ chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, kết luận và lập hồ sơ
trình UBND thành phố bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đât.
Thành phố cũng giao
UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện các vi phạm
trong quản lý, sử dụng đất, xử lý và đề xuất xử lý vi phạm. Đồng thời kiểm tra,
giám sát các dự án đã được thành phố gia hạn thời gian thực hiện, nếu hết thời
gian gia hạn mà không hoàn thành theo tiến độ thì phối hợp với Sở Kế hoạch- Đầu
tư, Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ thu hồi đất, trình UBND thành phố quyết
định.
Minh Nghĩa