Hiệp hội bất động sản đề xuất mở rộng cơ chế M&A để khơi thông nợ xấu

Theo Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), mặc dù dự thảo “Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” đưa ra nhiều điều tích cực về xử lý nợ xấu trong bất động sản, tuy nhiên cơ chế mua bán và sát nhập (M&A) trong bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế.

Dự thảo "Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng" có thể được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV này nhằm giải quyết "cục máu đông" ngăn trở sự phát triển của nền kinh tế, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng trở lại bình thường.

TP Hồ Chí Minh có hơn 500 dự án bị ngưng trệ, vì thế mở rộng cơ chế thực hiện M&A sẽ là giải pháp xử lý dự án tồn động hiện nay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đã trên 160.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ; tổng nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,39% tổng dư nợ; tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được đã trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ.


Như vậy, tính gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được và nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu trên cơ sở tính toán thận trọng của NHNN thì chiếm tỷ lệ khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay. Trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì hàng năm, nợ xấu vẫn phát sinh thêm 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ do các nguyên nhân khách quan, chủ quan.


Đồng thời, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm khoảng 16% trong 5 năm tới (riêng năm 2016 đã tăng trưởng tín dụng 18,71%; năm 2017 dự kiến mức tăng trưởng tín dụng cao hơn) thì dự kiến sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350.000 tỷ đồng, tổng nợ xấu sẽ lên đến khoảng 600.000 tỷ đồng.


Theo đó, nợ xấu cần phải được xử lý hiệu quả mà không gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Bởi lo ngại hiện nay, nợ xấu xây dựng cơ bản trong nhiều năm qua là hơn 90.000 tỷ. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến có nhiều dự án bất động sản (BĐS) "trùm mền", dở dang.


Riêng TP Hồ Chí Minh hiện đã có khoảng 500 dự án ngừng triển khai. Những dự án này đa phần thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là BĐS, dự án BĐS, nhà ở đã hoàn thành, nhà ở hình thành trong tương lai.


Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, "nợ xấu" nhưng "tài sản bảo đảm không xấu" vì thông thường, BĐS khi thế chấp để vay tín dụng chỉ được tổ chức tín dụng trị giá phổ biến ở mức trên dưới 60% giá trị thực; tài sản bảo đảm của nợ xấu có thể là tài sản của người đi vay, có thể là tài sản của bên thứ ba (người bảo lãnh vay tín dụng), cũng có trường hợp là căn hộ của người mua nhà trong dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng... Do vậy, khi xử lý nợ xấu đề nghị cần xem xét bao quát các vấn đề nêu trên.


Theo đó, HoREA đề xuất bổ sung nhiều nội dung của dự thảo "Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”. Cụ thể, về đối tượng áp dụng (điều 2), đề nghị bổ sung khoản "3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người đi vay, người bảo lãnh vay, người mua nhà trong các dự án bất động sản là tài sản bảo đảm".


Về nguyên tắc xử lý nợ xấu (điều 3), HoREA đề nghị bỏ mệnh đề mở đầu: "Tổ chức mua bán xử lý nợ xấu tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:", bởi lẽ "nguyên tắc xử lý nợ xấu" không chỉ áp dụng cho "Tổ chức mua bán xử lý nợ xấu" mà áp dụng cho mọi chủ thể có liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu”.


Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc: "5. Đảm bảo quyền lợi chính đáng của người đi vay, người bảo lãnh vay, người mua nhà trong dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng".


Về nợ xấu (điều 4), Hiệp hội tán thành phương án 1: "Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ".


Về xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS, Hiệp hội tán thành cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản được quy định tại điều 10. Bởi trong thời gian qua, HoREA đã nhiều lần đề nghị sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để cho phép chuyển nhượng dự án theo cơ chế như nội dung được xác định tại điều 10 dự thảo "Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng" để giải quyết tình trạng nhiều dự án BĐS bị ngừng triển khai hiện nay; coi việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động kinh doanh bình thường giữa các nhà đầu tư với nhau.


Theo đó, Hiệp hội đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế chuyển nhượng dự án bất động sản như nội dung trên để giúp khai thông thị trường M&A. Từ đó, khai thông nguồn vốn, tái khởi động các dự án đang bị ngừng triển khai. Đây là một giải pháp góp phần tích cực xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mà chủ thể thực hiện lại chính là các doanh nghiệp BĐS, sử dụng nguồn vốn tư nhân, hoàn toàn không liên quan đến ngân sách nhà nước.


Hải Yên/Báo Tin Tức
Không nên coi xử lý nợ xấu là trách nhiệm chính của ngân hàng
Không nên coi xử lý nợ xấu là trách nhiệm chính của ngân hàng

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 12/6, Quốc hội nghe trình bày báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN