Theo nhiều chuyên gia bất động sản, dù tín dụng đã được nới lỏng nhưng thị trường bất động sản (BĐS) năm 2014 vẫn tiếp tục khó khăn vì vốn chưa phải là tất cả. Theo đó, để thị trường BĐS hồi phục cần có những chính sách hỗ trợ đồng bộ, kịp thời hơn.
Có tiền chưa chắc dễ giải ngân
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó, có nhiều cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng còn nhiều hạn chế, chưa tạo được “cú huých” cho thị trường BĐS.
Dự án Petroland Mark quận 2, TP Hồ Chí Minh hiện mới hoàn thành phần thô do thiếu vốn, dù người dân đã đóng tiền gần 90%. |
Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp để giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) như tổ chức chương trình kết nối DN với ngân hàng để chuyển đổi các dự án BĐS. Thế nhưng, đến hết năm 2013, chỉ có 5 dự án được chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, 1 dự án chuyển sang làm bệnh viện và 5 dự án được cơ cấu lại căn hộ từ căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ.
Cùng với những hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ nói chung và UBND TP Hồ Chí Minh nói riêng, các DN BĐS đã nỗ lực để thúc đẩy thanh khoản cho thị trường BĐS. Nhờ vậy, tại TP Hồ Chí Minh, đến nay hàng tồn kho giảm được 5.077 căn (giảm 35%) so với lượng hàng tồn kho BĐS được báo cáo cuối năm 2012. Tuy nhiên, theo HoREA, vẫn còn nhiều dự án đang bị đóng băng, chưa thể triển khai hoặc đang triển khai dở dang.
Trước tình hình trên, cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh đã phối hợp tổ chức xây dựng “Chuỗi liên kết 4 nhà” (Ngân hàng - DN BĐS - Nhà cung ứng vật liệu - Người mua) với gói 50.000 tỉ đồng nhằm khơi thông thị trường BĐS. Thế nhưng, theo chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Kiến Thành, “liên kết 4 nhà” mà VNCB công bố thực chất chỉ là nghiệp vụ quản lý dòng tiền của các ngân hàng. “Nợ xấu BĐS vẫn còn lớn thì liệu việc bơm thêm tiền có kiểm soát được không? Mặt khác, chương trình lại được thiết kế chỉ với một nhóm khép kín, có chỉ định từ ngân hàng cho vay đến DN cung ứng vật liệu, chủ đầu tư… thì liệu có khả thi?”, ông Bùi Kiến Thành đặt câu hỏi. Đặc biệt, ông Thành nghi ngờ là dù được vay vốn để hoàn thiện các dự án dở dang thì việc bán hàng cũng rất khó vì hiện nay phân khúc nhà ở có giá cao vẫn tồn kho lớn. Chưa kể, lãi suất và điều kiện cho vay không có sự ưu đãi, ưu tiên nào.
Cần quy định rõ hơn về chính sách
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, để thị trường BĐS hồi phục và phát triển theo hướng minh bạch, ổn định và bền vững cần triển khai thực hiện quyết liệt giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Cùng với đó, việc xây dựng các nghị định, thông tư thi hành Luật Đất đai phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống và việc Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cũng sẽ tạo điều kiện cho thị trường.
Với các dự án làm nhà ở thương mại cho thuê giá bình dân khoảng từ 2-3 triệu đồng/căn hộ/tháng, HoREA đề nghị có cơ chế miễn giảm tiền sử dụng đất trong suốt thời gian thực hiện dự án để khuyến khích phát triển loại hình nhà cho thuê. Nếu DN không tiếp tục thực hiện dự án thì phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước thống nhất hướng dẫn các ngân hàng thương mại về thủ tục để giúp người thu nhập thấp được tiếp cận dễ dàng hơn khoản vay ưu đãi để thuê, mua, thuê mua nhà theo Nghị quyết 02. Đồng thời, cho các dự án nhà ở thương mại đang xây dựng dở dang có quy mô căn hộ nhỏ hơn hoặc bằng 70 m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm có sản phẩm cung ứng cho thị trường và góp phần giải quyết hàng tồn kho.
UBND TP Hồ Chí Minh phải công bố khu vực không cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, không cho phép cơ cấu lại căn hộ để các DN chủ động tìm giải pháp để giải quyết khó khăn của mình. Ngoài ra, kiến nghị cho Việt kiều được sở hữu nhà như người trong nước và mở rộng điều kiện cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế cũng là những chính sách cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Bài và ảnh: Hải Yên