Theo tờ trình của Sở Xây dựng tại văn bản số 2529/SXD-PTN&TTBĐS ngày 01/03/2017 và văn bản số 14/SXD-PTN&TTBĐS ngày 25/01/2017, trong đó có nội dung đề xuất trường hợp Nhà nước lựa chọn chủ đầu tư thì thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ để phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.
HoREA đề xuất bổ sung nhiều phương án hỗ trợ có lợi cho người dân khi tái định cư. Ảnh: CTV |
Cụ thể, theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 101/2015/NĐ-CP quy định về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là quy định chung, nội dung này là hoàn toàn phù hợp đối với các trường hợp chủ sở hữu chung cư chọn nhà đầu tư để xây dựng lại chung cư theo quy định (trong thời hạn 12 tháng đối với chung cư hư hỏng nặng, trong thời hạn 3 tháng đối với chung cư nguy hiểm).
Đối với các chung cư chưa phải là hư hỏng nặng và nguy hiểm, chủ sở hữu nhà chung cư có toàn quyền quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đặc biệt là giá bồi thường để thực hiện dự án xây dựng lại chung cư….
Tuy nhiên, theo HoREA, nếu TP Hồ Chí Minh chỉ quy định một phương thức tái định cư tại chỗ thì đã hạn chế quyền lựa chọn phương thức tái định cư của các hộ dân trong chung cư, dễ dẫn đến khiếu kiện. Do vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị nên thêm quyền lựa chọn phương thức tái định cư của chủ sở hữu nhà chung cư.
Theo ông Châu, mặc dù đề xuất của Sở Xây dựng là phương thức tốt nhất nhưng cần được vận động giải thích, đi đến sự đồng thuận để khuyến khích chủ sở hữu nhà chung cư lựa chọn; đồng thời thêm phương thức tái định cư ở địa điểm khác, hoặc phương thức người dân yêu cầu được bồi thường bằng tiền mặt để tự lo tái định cư theo quy định của pháp luật, đi đôi với việc thực hiện chu đáo, thỏa đáng công tác tạm cư trong thời gian chờ đợi trở về tái định cư.
Về hệ số hoán đổi căn hộ chung cư, ông Châu cho rằng, nên khuyến khích các chủ đầu tư hoán đổi căn hộ mới lớn hơn căn hộ cũ, tối thiểu căn hộ mới có diện tích bằng 1,1 lần diện tích căn hộ cũ; đảm bảo chủ sở hữu căn hộ góc (có 2 mặt hướng ra ngoài trời) cũng được tái bố trí căn hộ góc; chủ sở hữu căn hộ tầng trệt, hoặc đang kinh doanh thì được hoán đổi căn hộ mới với hệ số hoán đổi cao hơn, theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư, hoặc được mua, thuê cửa hàng kinh doanh, thương mại, dịch vụ (shop house) ở tầng trệt hoặc khối đế (nếu có) để tạo sự đồng thuận cao.
Về quyền định đoạt của chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư: Chủ sở hữu chung cư được quyền chuyển nhượng căn hộ mới; hoặc căn hộ hình thành trong tương lai; hoặc suất tái định cư; chủ hộ ghép trong chung cư cũng được quyền chuyển nhượng suất tái định cư theo nhu cầu.
Ngoài ra, chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư được quyền lựa chọn chuyển đến khu nhà tạm cư do cơ quan nhà nước hoặc chủ đầu tư bố trí, được hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tái đào tạo; hoặc tự mình giải quyết tạm cư với chi phí tạm cư được thỏa thuận với chủ đầu tư.
Trường hợp đề xuất của Sở Xây dựng về diện tích căn hộ tái định cư lớn hơn hoặc bằng diện tích căn hộ cũ trong trường hợp Nhà nước lựa chọn chủ đầu tư, HoREA kiến nghị nên quy định tỷ lệ hoán đổi căn hộ tái định cư tối thiểu là bằng 1,1 lần diện tích căn hộ cũ, đồng thời khuyến khích các chủ đầu tư thực hiện hoán đổi căn hộ tái định cư với tỷ lệ cao hơn 1,1 lần diện tích căn hộ cũ để các hộ dân dễ chấp thuận và các quận, huyện dễ thực hiện.
Về việc bố trí tái định cư trong trường hợp căn hộ cũ có từ 2 hộ khẩu trở lên, về cơ bản, HoREA nhất trí với đề xuất nêu trên của Sở Xây dựng, nhưng có bổ sung theo nguyên tắc là bố trí tái định cư theo hướng bảo toàn giá trị pháp lý của căn hộ cũ; đối với hộ gia đình đông người có từ 2 hộ khẩu trở lên có khó khăn về chỗ ở sẽ được giải quyết bố trí tái định cư thêm một, hoặc hơn một căn hộ tại dự án.
Tuy nhiên, việc sở hữu căn hộ bố trí thêm cần được giải quyết theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, giá bán căn hộ này là giá bảo toàn vốn được kiểm toán đầu tư xây dựng + 10% lợi nhuận cho nhà đầu tư và được vay từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của thành phố.