Bởi tầm quan trọng của kết nối và trao đổi thông tin sẽ gia tăng hiệu quả nên tiềm năng ứng dụng của 5G sẽ trở thành một phần không thể thiếu của quá trình phát triển đó.
Trong lĩnh vực Internet of Things (IoT) và bất động sản, mạng 5G liên quan đến hệ thống cảm biến tòa nhà và khả năng giám sát các điểm dữ liệu. Sự phát triển của bất động sản cũng có nghĩa là số lượng cảm biến và lượng dữ liệu đang tăng lên theo cấp số nhân và 5G cho phép nắm bắt dữ liệu trong thời gian thực để có thể xây dựng báo cáo phân tích chính xác. Tiềm năng trong lĩnh vực này là rất lớn - bà Trang phân tích.
Một trong những điệm cộng lớn nhất của mạng 5G chính là độ trễ xử lý cực thấp, đưa tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn cả một cái “chớp mắt”. Mức độ trễ thấp sẽ là chìa khóa mở ra kỷ nguyên công nghệ robot, xe tự lái, thực tế mở rộng nhập vai (XR) và kết hợp thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR ) và thực tế hỗn hợp (MR).
Theo chuyên gia của C&W, mạng 5G sẽ tác động trực tiếp lên nhiều lĩnh vực. Đơn cử như phát triển thành phố thông minh, nhiều thành phố lớn như New York, Amsterdam và Singapore bắt đầu áp dụng 5G vào mọi mặt trong cuộc sống, liên tục tạo ra và phân tích lượng lớn dữ liệu.
Điều này giúp thành phố thông minh hơn, điển hình là khả năng ghi nhận và điều tiết giao thông, người điều khiển được hướng dẫn đi vào đường thông thoáng hoặc đến các chỗ đậu xe có sẵn, và đồng thời giúp giảm thiểu khí thải. Những lợi ích này sẽ được thúc đẩy phát triển khi 5G trở nên khả dụng hơn.
Hay với mô hình nhà thông minh, thị trường nhà ở đang có những bước tiến quan trọng để trở nên thông minh hơn. Hiện ngày càng có nhiều ngôi nhà sử dụng hệ thống thiết bị được kết nối, các máy chủ tập trung xử lý dữ liệu được thu thập từ các thiết bị này sẽ làm tăng độ trễ xử lý và rủi ro về quyền riêng tư.
Tuy nhiên, mạng 5G có thể giải quyết những thách thức đó bằng cách cho phép các thiết bị di động hoặc IoT xử lý dữ liệu trong phạm vi ngoại vi của mạng gia đình thay vì đám mây, điều này sẽ tăng cường quyền riêng tư và bảo mật, đồng thời giảm độ trễ.
Với không gian văn phòng, trong tương lai, mạng 5G có thể loại bỏ gánh nặng cơ sở hạ tầng và cáp dư thừa cho các tòa nhà. Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp không cần chạy hệ thống cáp tới bàn làm việc, điện thoại và phòng họp, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí, thoái mái thiết kế sơ đồ mặt bằng và không gian làm việc linh hoạt trong tương lai
“Công nghệ 5G có thể làm được nhiều điều cho thị trường bất động sản thương mại. Những ứng dụng 5G dùng để vận hành robot, phục vụ cho ô tô, thiết bị y tế và bán lẻ chắc chắn sẽ nâng tầm cách chúng ta làm việc, sống và vui chơi trong tương lai”- bà Trang Bùi nhấn mạnh.
Công ty C&W cho biết, tại Việt Nam, theo số liệu từ Cục Viễn thông, trong năm 2021, các doanh nghiệp viễn thông đã đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng băng thông rộng. Đến nay, mạng cáp quang đã phủ sóng toàn quốc, mạng 4G đã đạt mốc 99,8% dân số; trong khi đó, mạng 5G đã được triển khai thử nghiệm tại 16 tỉnh, thành phố.
Việt Nam đặt mục tiêu triển khai thương mại 5G vào năm 2022, thúc đẩy người dân dùng smartphone và giảm số lượng điện thoại 2G còn dưới 5%. Mạng 5G không chỉ đơn thuần có tốc độ nhanh hơn 4G mà đây còn là chìa khóa để mở ra kỷ nguyên "kết nối vạn vật".