Theo phản ánh của các cư dân khu Ngoại giao đoàn (Hà Nội), khu đô thị này đã bị điều chỉnh quy hoạch xây dựng so với thiết kế ban đầu theo hướng tăng mật độ xây dựng. Đáng nói là, cư dân tại đây không hề được tham vấn, không biết có sự điều chỉnh này.
Khu đất có thể mọc lên tòa nhà 27 tầng khi quy hoạch bị điều chỉnh. |
Trong cuộc họp với cư dân, đại diện chủ đầu tư là Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) cho biết, UBND TP Hà Nội đã có quyết định vào ngày 22/5 vừa qua cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 Khu Ngoại giao đoàn.
Theo đó, ô đất có ký hiệu CC2 có chức năng công cộng, dịch vụ được điều chỉnh mật độ xây dựng gần gấp đôi từ 20,5% lên 40%. Ô đất CC3-4, có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng, thì nay được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất công cộng đô thị (công cộng, dịch vụ thương mại văn phòng), nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình là 15 tầng + 3 tầng hầm.
Ô đất CC5 được quy hoạch là đất công cộng, dịch vụ, thương mại với mật độ xây dựng 30%, tầng cao trung bình là 7 tầng, được điều chỉnh thành ô đất có ký hiệu HH1, chức năng là đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở) với mật độ xây dựng nâng lên 41%, tầng cao công trình 27 tầng + 3 tầng hầm với dân số khoảng 1.505 người.
Đại diện chủ đầu tư và Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẳng định việc điều chỉnh quy hoạch này là đúng quy trình. Trong khi nhiều cư dân bức xúc vì điều chỉnh này, nếu được triển khai sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể Khu Đoàn ngoại giao, làm tăng mật độ xây dựng, dân số.
Chị Nguyễn Thùy Mai, cư dân Khu Ngoại giao đoàn cho biết: "Nhìn những khu đất màu xanh mà nghĩ đến tương lai có tòa nhà 27 tầng mọc lên. Thật quá đắng lòng! Rõ ràng bỏ tiền ra mua căn hộ có view mà giờ lại lù lù mọc lên toà nhà 27 tầng chắn trước mặt mà họ vẫn bảo đúng qui trình".
Cư dân Khu Ngoại giao đoàn phản đối chủ đầu tư tự ý điều chỉnh quy hoạch. Ảnh: Cư dân cung cấp |
Về quy trình lấy ý kiến tham vấn cộng đồng về việc điều chỉnh quy hoạch cũng có vấn đề. Lãnh đạo phường Xuân Tảo xác nhận đã lấy ý kiến của 10 người dân không phải là cư dân mua nhà tại Khu Ngoại giao đoàn, như vậy là chưa đúng đối tượng.
“Quy trình thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/500 đã sai ngay từ khâu lấy ý kiến người dân, tham vấn sai đối tượng. Muốn thay đổi quy hoạch, phải làm lại quy trình thủ tục đề xuất từ khâu tham vấn cộng đồng, trong đó có cư dân mua nhà sinh sống tại Khu Ngoại giao đoàn”, một cư dân đề nghị.
Thực tế, không ít khu đô thị tại Hà Nội đang bị nhồi nhét, xây dựng chắp vá do sự tùy ý điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch. Không nói đâu xa, khu đô thị Linh Đàm là bài học "đau đớn" của ngành Quy hoạch. Vốn được coi là khu đô thị kiểu mẫu với không gian cây xanh, mặt nước rất lớn, nhưng khu đô thị này liên tục được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng.
Hiện nay, nói đến Linh Đàm là người ta nghĩ ngay đến tình trạng tắc đường, kẹt xe, đông đúc, ngột ngạt, ô nhiễm với hàng loạt tòa nhà cao 30 - 40 tầng của chủ đầu tư Mường Thanh. Phải chăng bài học từ khu đô thị Linh Đàm chưa đủ “đau đớn”? Liệu Khu Ngoại giao đoàn có trở thành một Linh Đàm thứ 2?
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, một thực tế hiện nay là Hà Nội cứ lấy lý do tăng thêm mật độ để thay đổi quy hoạch quá dễ dàng, đằng sau đó là lợi ích nhóm. Các toà nhà cao tầng trong trung tâm thành phố xuất hiện mới đều đúng quy hoạch, nhưng gây hậu họa rất lớn đối với kinh tế xã hội.
Với trường hợp Khu Ngoại giao đoàn, ông Đức cho rằng, người dân có thể khởi kiện ra toà, khiếu nại về hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân theo thủ tục dân sự và tố cáo đối với hành vi sai phạm tại quy hoạch điều chỉnh (nếu có).
Theo các chuyên gia quy hoạch, xây dựng, để xảy ra tình trạng khu đô thị liên tục thay đổi quy hoạch làm tăng quy mô dân số là lỗi của cơ quan quản lý. Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, trong trường hợp điều chỉnh tăng dân số, hạ tầng xã hội phải tăng theo chứ không giảm đi.
“Điều chỉnh quy hoạch không chỉ là cơ quan quản lý đưa ra mà phải có ý kiến cộng đồng (các tổ chức xã hội, cư dân khu đô thị). Liệu chủ đầu tư và nhà quản lý có sự móc nối nào không? Trong khi yêu cầu cần có nhiều trường học, sân chơi nhưng lại điều chỉnh tăng dân số lên, giảm khu đất này đi”, ông Nghiêm đặt câu hỏi.