Tạm dừng hàng loạt sự kiện giao dịch
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công hết năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018. Trong đó, BĐS du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, giảm 20% so với năm 2018. Thị trường BĐS và các doanh nghiệp BĐS tiếp tục phải đương đầu với tình trạng sụt giảm nguồn cung các dự án, môi trường kinh doanh chưa thực sự đảm bảo minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh… ngay từ đầu năm 2020.
Cùng với đó, việc nhưng “bão” COVID-19 bất ngờ bùng phát, đã khiến phương án kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phải thay đổi, đồng thời khiến thị trường đối mặt với nhiều thách thức.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, khó khăn nhất hiện nay với các doanh nghiệp môi giới BĐS là tâm lý e ngại tập trung đông người xem sản phẩm. Nhiều khách hàng có nhu cầu đầu tư từ trước Tết, hiện chỉ trao đổi qua điện thoại, email. Vì vậy, các giao dịch BĐS trầm lắng do khách hàng không nhận diện được sản phẩm. Thực tế này buộc các doanh nghiệp BĐS phải cắt giảm các chi phí không cần thiết, điều chỉnh, giãn, hoãn tiến độ các dự án để nắm tình hình…
Hàng loạt các chủ đầu tư, doanh nghiệp BĐS mặc dù đã khai trương hoạt động sản xuất kinh doanh, mở bán các sản phẩm đủ điều kiện ra thị trường từ ngày 30/1, nhưng đến thời điểm này vẫn phải cho nhân viên nghỉ việc vì dịch bệnh. Đặc biệt, loại hình BĐS Condotel, BĐS công nghiệp… có tốc độ gia tăng đều đặn qua các năm, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều nhà đầu tư đều phải cân nhắc kế hoạch.
Ông Trần Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty DKRA chia sẻ, định kỳ 1 tuần, 2 tuần hoặc 1 tháng, nhân viên kinh doanh sẽ đi chào mời sản phẩm với khách hàng. Sau đó sẽ bố trí 1 ngày bán hàng tập trung, như vậy kinh doanh mới hiệu quả. Tuy nhiên, với diễn biến dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, việc bán hàng tập trung không khả thi. Điều này, khiến công ty phải lùi hoặc hủy nhiều các lịch bán hàng tập trung.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường BĐS đang đối mặt với 5 thách thức: Hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường BĐS chưa đồng bộ, chưa được kiểm soát hiệu quả, cần phải điều chỉnh, hoàn thiện với các Luật: Quy hoạch, Đất đai, Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh BĐS; công tác quy hoạch, đền bù, phê duyệt, giải phóng mặt bằng dự án… đều bị siết chặt; các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn khi thị trường có hệ số rủi ro cao; tình trạng “sốt ảo” giá đất tại các địa phương và tính minh bạch của thị trường hạn chế.
Thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh, thanh lọc
Trước những khó khăn trên, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về: Đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS, dân sự… để đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và liên thông trước khi Luật Đất đai sửa đổi được ban hành vào năm 2021; đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sớm tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” của thị trường BĐS, để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Mới đây, Tập đoàn địa ốc Novaland vừa gửi đơn “kêu cứu” tới Bộ Xây dựng đề nghị cho tiếp tục triển khai các dự án đã đủ điều kiện bán hàng, nhưng bị dừng vì thiếu tính thanh khoản. Điều này đang khiến cổ phiếu của doanh nghiệp lao dốc, cùng nhiều hệ lụy xã hội khác, trong khi doanh nghiệp đã vay vốn và đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án…
Trong bối cảnh thị trường BĐS đang trải qua giai đoạn “ảm đạm”, không chỉ Novaland, mà hàng loạt doanh nghiệp BĐS trong cả nước gặp khó đã phải "kêu cứu" tới Bộ Xây dựng, vì bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về rà soát pháp lý đất đai trong hơn 2 năm qua. Câu chuyện này tất nhiên không thể giải quyết ngay, và dự báo sẽ kéo dài, buộc ngành Xây dựng phải điều chỉnh, thanh lọc các chủ đầu tư, để phù hợp với các chính sách BĐS mới có hiệu lực từ năm nay.
Cụ thể, các Nghị định 91/CP của Chính phủ quy định các mức xử phạt trong sai phạm đất đai, Nghị định 96/CP của Chính phủ ban hành khung giá đất có hiệu lực trong vòng 5 năm tới, Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng vào BĐS, Thông tư 06 của Bộ Xây dựng quy định về sử dụng, quản lý nhà chung cư... Đây đều là những văn bản pháp lý có hiệu lực từ năm nay 2020, được dự báo sẽ có những tác động tích cực tới thị trường BĐS, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong việc quyết liệt xử lý các sai phạm về kinh doanh BĐS. Đặc biệt, bảng giá đất mới được ban hành tại các địa phương giữ nguyên, giúp thị trường 5 năm tới ổn định hơn, giảm bớt các nguy cơ về sốt đất…
Năm 2019, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp BĐS bị tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể lên tới hàng nghìn doanh nghiệp, tăng gần 40% so với năm 2018. Con số này dự báo trong năm 2020 tiếp tục tăng. Điều này cho thấy sự "sàng lọc" mạnh mẽ trong lĩnh vực BĐS của các cơ quan chức năng trước tác động của loạt chính sách mới.