Trước đó, Bộ Tài chính đã gửi danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản (giai đoạn tháng 7/2014 đến tháng 11/2016) lên Chính phủ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra việc quản lý đất đai các dự án này.
Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các UBND tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng. Bộ nhấn mạnh đó là các dự án đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao đất, không qua đấu giá.
Trong số 60 dự án bất động sản, có 25 dự án ở Hà Nội, 13 dự án ở TP Hồ Chí Minh và 22 dự án ở 7 địa phương khác.
Thông tin thanh tra 60 dự án bất động sản có dấu hiệu sai phạm về tính tiền sử dụng đất đã khiến nhiều người mua nhà lo lắng. Ảnh: HD |
Ngay sau thông tin này, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã gửi văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ với nội dung: Cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.
Lý giải về kiến nghị này, Chủ tịch Hiệp hội, ông Lê Hoàng Châu cho biết, trong Văn bản số 4393/VPCP-ĐMDN ngày 28/4/2017 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã không có chỉ đạo tạm thời đình chỉ thi công các dự án như kiến nghị trước đó của Bộ Tài chính.
Theo ông Châu, điều này giúp các chủ đầu tư yên tâm triển khai thực hiện dự án, trong khi chờ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng tình với quan điểm này, trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Cơ quan nhà nước không thể buộc doanh nghiệp ngừng thi công khi chưa có chứng cứ sai phạm rõ ràng.
"Việc của doanh nghiệp là làm ăn, có vay vốn, có hợp đồng, đảm bảo tiến độ, không thể ngừng để kiểm tra. Đó là tư duy xin cho, tùy tiện. Mỗi doanh nghiệp ngừng thi công một ngày là thiệt hại rất nhiều tiền từ khấu hao máy móc, lãi vay ngân hàng, tiền thuê công nhân, kĩ sư, chuyên gia... Điều này gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người mua nhà”, ông Nam phân tích.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản rất nhạy cảm nên cơ quan quản lý cần thận trọng với các thông tin đưa ra. Việc thanh tra, kiểm tra là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, khi chưa có kết luận sai phạm chính thức thì không nên công bố khiến dư luận hoang mang.
Cùng với kiến nghị không dừng thi công các dự án trong danh sách thanh tra, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu "quân xanh, quân đỏ".
Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị, đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).