Lo ngại dừng cấp phép nhà thương mại

Lượng tồn kho bất động sản còn lớn, có những dự án “quây rào” nhiều năm mà chưa có dấu hiệu triển khai nên Bộ Xây dựng sẽ ngừng cấp phép cho các dự án xây nhà ở thương mại mới. Hiện đã có một số ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này nhưng Bộ Xây dựng cho rằng, quyết định này sẽ giúp tiêu thụ hết những dự án tồn kho trên thị trường.

 

Rà soát toàn bộ dự án cũ


Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) đã có những dấu hiệu phục hồi, thể hiện qua số lượng giao dịch thành công tăng so với cùng kỳ năm ngoái, xu hướng giảm giá nhà chững lại. Với phân khúc nhà bình dân, các căn hộ có mức giá hợp lý, diện tích căn hộ nhỏ, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại đa số người dân đều rơi vào cảnh “cháy hàng”.

 

Hàng trăm dự án BĐS đã phải tạm dừng triển khai do thiếu vốn.


Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, bên cạnh những dấu hiệu tích cực đó, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó vấn đề bội cung cũng là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường BĐS. Nguồn cung thừa nằm chủ yếu ở phân khúc nhà hạng sang, chung cư cao cấp, biệt thự… với mức giá trên 30 triệu đồng/m2. Rất nhiều dự án ở phân khúc này dù được chấp thuận đầu tư song vẫn chưa được triển khai hoặc dừng triển khai, “đắp chiếu” từ nhiều năm nay do chủ đầu tư không có đủ năng lực.


Qua rà soát, Bộ Xây dựng nhận thấy có quá nhiều dự án được phê duyệt. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, tính đến hết tháng 12/2013, cả nước có 4.015 dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 4,5 triệu tỷ đồng với 102.000 ha đất. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, nếu triển khai toàn bộ các dự án này thì sẽ có tới 3 triệu căn hộ.


Trước nguy cơ bội cung, Bộ Xây dựng đã đi đến quyết định kiến nghị Chính phủ ngừng cấp phép các dự án thương mại mới, đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát lại các dự án BĐS trên địa bàn để tạm dừng hoặc dừng hẳn các dự án không phù hợp với quy hoạch cũng như nhu cầu của địa phương.
Đến nay, các dự án không đủ năng lực phải tạm dừng triển khai là 287 dự án, với 14.819 ha đất. Các dự án phải tạm dừng này chủ yếu là do chủ đầu tư không huy động được thêm nguồn vốn để triển khai tiếp. Trong số các dự án còn lại được triển khai tiếp, không ít dự án đang triển khai trong tình trạng “ngắc ngoải”.


Thận trọng khi ngừng cấp phép


Một số chuyên gia BĐS cho rằng, đề xuất của Bộ Xây dựng về việc dừng cấp phép mới đối với dự án phát triển nhà ở thương mại là biện pháp phi thị trường khi mà thị trường BĐS đang có những dấu hiệu ấm lên.


Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường BĐS đã có dấu hiệu ấm lên từ đầu năm nay và chính Bộ Xây dựng cũng khẳng định điều đó. Vì thế, Bộ không nên ngừng cấp phép các dự án mới. Nếu thực tế thị trường cho thấy, việc dừng triển khai các dự án mới là cần thiết thì thay vì đưa ra một quy định mang tính cấm đoán, Bộ nên có những biện pháp nhằm thuyết phục doanh nghiệp không đầu tư thêm để tránh gây lãng phí,


Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, kiến nghị của Bộ Xây dựng có nhiều điều chưa hợp lý. Theo ông Đực, việc kinh doanh của doanh nghiệp đã được lên kế hoạch từ trước đó nên việc ngưng cấp phép mới của Bộ phải có lộ trình chứ không thể vội vàng như hiện nay. Còn TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì cho rằng, kiến nghị của Bộ Xây dựng thiếu tư duy thị trường. “Thị trường vận hành theo quan hệ cung - cầu chứ không phải việc cho phép hay không cho phép”, ông Liêm nói.


Trước những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong một thời gian dài, tư tưởng “thị trường hóa” trong quá trình quản lý đã khiến thị trường phát triển tự phát theo phong trào, dẫn tới những khó khăn cho thị trường BĐS kéo dài đến hôm nay. “Với khả năng nền kinh tế hiện nay, trong thời gian trung hạn không thể giải quyết hết được khối lượng dự án quá lớn. Trong khi chúng ta đang phải dừng nhiều dự án đã cấp phép thì không có lý do gì lại cấp phép cho những dự án mới”, ông Dũng khẳng định.


Tuy vậy, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đây chỉ là kiến nghị của Bộ trong năm 2014, còn các dự án BĐS đặc biệt vẫn được xem xét nhưng phải được Chính phủ cho phép. Trong những năm tiếp theo, căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường, Bộ sẽ có giải pháp cụ thể hơn. Đồng thời, Bộ sẽ tạo thêm các cơ chế thuận lợi để đẩy nhanh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, vì gói này sẽ tạo ra những sản phẩm nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu chính của thị trường.


Trên phương diện nhà tư vấn dịch vụ BĐS, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty CBRE nhận định, các cơ quan nhà nước cần quản lý thị trường BĐS tốt hơn bằng cách quy hoạch chặt chẽ, nâng cao chất lượng dự án cùng với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội để thị trường phát triển đúng hướng.


Bài và ảnh: Hoàng Dương

Tồn kho bất động sản Hà Nội tiếp tục giảm
Tồn kho bất động sản Hà Nội tiếp tục giảm

Theo báo cáo Chỉ số giá Bất động sản khu vực Hà Nội quý 1 vừa được Savills công bố, tỷ lệ hàng tồn kho đã giảm 5 điểm so với cùng kì năm ngoái. Giá trung bình với mỗi m2 cũng giảm nhẹ theo quý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN